Lớp tập huấn, truyền dạy sử dụng cồng, trống, chiêng của người Cơ tu được tổ chức tại xã Zuôih với sự tham gia của 46 học viên là đồng bào dân tộc Cơ tu, được truyền dạy bởi Nghệ nhân ưu tú Pling Hạnh và nghệ nhân trẻ Bling Đhóc. Qua hai ngày tổ chức truyền dạy và học tập nghiêm túc, các học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về không gian văn hóa cồng, trống, chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam; đặc điểm, chức năng, biểu tượng của văn hóa cồng, trống, chiêng của người Cơ tu ở Quảng Nam; quy trình kỹ thuật, nghệ thuật chế tác và hệ thống nhạc cụ, diễn tấu, nghi thức, thang âm cồng, trống, chiêng. Qua lớp tập huấn đã làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành kỹ năng diễn tấu, vũ điệu và các nghi thức sử dụng cồng, trống, chiêng của người Cơ tu nhằm nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Cơ tu nói riêng và đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam nói chung, khơi dậy niềm đam mê đối với nhạc cụ truyền thống trong đồng bào, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua lớp học, học viên đã cơ bản nắm được nhiều nội dung về lý thuyết và thực hành cũng như cách sử dụng cồng, trống, chiêng kết hợp với vũ điệu truyền thống tung tung ya yá của người Cơ tu.
Lớp truyền dạy, bảo tồn nhạc cụ Đinh tút và các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng (nhóm Ve, Tà Riềng) được tổ chức tại 02 xã Đắc Pre và Đắc Tôi với sự tham gia của gần 100 học viên là người đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng, được truyền dạy bởi những nghệ nhân có kinh nghiệm, am hiểu các loại nhạc cụ truyền thống của người Giẻ-Triêng như Chơ Rum Nhiế-r, Zơ râm Nhưa, Hiên Dêng, Un Nanh, Hiên Viện… Qua tập huấn, các nghệ nhân đã truyền dạy những kiến thức căn bản về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng; hiểu thêm về nghệ thuật diễn xướng dân gian và âm nhạc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Giẻ - Triêng. Thông qua lớp tập huấn, các học viên đã cơ bản nắm được nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề về lý thuyết và thực hành cũng như cách chế nhạc cụ Đinh tút và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ-Triêng.
Mặc dù trong những ngày tổ chức các lớp tập huấn, công việc nương rẫy bận rộn, thời tiết bất lợi, đi lại khó khăn nhưng điều đáng mừng là các nghệ nhân, các học viên đã sắp xếp công việc gia đình, công việc nương rẫy để tập trung đông đủ để tham gia, đảm bảo chất lượng truyền dạy và học tập đem lại hiệu quả tốt, thiết thực. Các lớp tập huấn lần này đã tập hợp được nhiều lứa tuổi tham gia, đặc biệt có rất nhiều học viên trẻ, học viên nữ. Các học viên đều có niềm đam mê, yêu thích đối với truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong quá trình truyền dạy và học tập, các học viên đã tích cực tham gia xây dựng, trao đổi, góp ý với nghệ nhân tạo nên không khí học tập sôi nổi, vui tươi… Kết thúc các lớp tập huấn, các nghệ nhân và học viên tổ chức trình diễn để báo cáo kết quả truyền dạy và học tập. Các buổi trình diễn báo cáo tổng kết đã đáp ứng tốt những yêu cầu về ý nghĩa, mục đích, chất lượng của việc truyền dạy, học tập theo kế hoạch đã đề ra. Các học viên được đều được trao giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp tập huấn.
Các lớp tập huấn lần này là hoạt động triển khai thực hiện Dự án 6 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025. Việc tổ chức lớp các tập huấn nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam nói chung và dân tộc Cơ tu, dân tộc Giẻ-Triêng trên địa bàn huyện Nam Giang nói riêng; nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; động viên, khuyến khích và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay./.
? Mai Lâm