Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn khởi nghiệp quốc gia, đại hội công nghiệp du lịch quốc gia với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Quảng Nam cùng đại diện các dự án khởi nghiệp du lịch địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia nói, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên du lịch, là giải pháp căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khẳng định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 hưởng ứng Nghị quyết 08 đến các cấp, các ngành phối hợp cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ VH-TT&DL hướng dẫn, chỉ đạo.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng các đại biểu Quảng Nam tham dự hội nghị. Ảnh: CTV
Trình bày tham luận tại hội nghị, đại diện Sở VH-TT&DL nêu, Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch hướng mở về khu vực nông thôn, miền núi.
Trong đó, Quảng Nam đang đeo đuổi xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Tập trung phát triển mạnh tại các địa bàn trọng điểm du lịch, liên kết chặt chẽ với khu vực và các hành lang kinh tế để mở rộng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh. Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương.
Phát triển du lịch có trách nhiệm, tôn trọng lợi ích các bên, các vùng miền, tôn trọng văn hóa, truyền thống, tôn trọng du khách trong mối quan hệ với các cộng đồng điểm đến; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.
Khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh và bền vững, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch, du lịch gắn với nông thôn mới, gắn với sản phẩm OCOP để tạo sự cộng hưởng qua lại cùng phát triển…
Trưng bày sản phẩm du lịch Quảng Nam bên lề hội nghị. Ảnh: CTV
Tại hội nghị còn có tọa đàm cùng chuyên gia phát triển du lịch địa phương cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế phát triển du lịch địa phương từ các chuyên gia du lịch giàu kinh nghiệm trong, ngoài nước. Dịp này cũng diễn ra lễ ký kết phát triển hệ sinh thái du lịch quốc gia.
Trong khuôn khổ diễn đàn khởi nghiệp quốc gia, đại hội công nghiệp du lịch quốc gia còn có bàn tròn kết nối đầu tư và thương mại du lịch, đại hội cấp cao phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch quốc gia với nhiều diễn đàn chuyên đề hướng đến các vấn đề, xu hướng quan trọng của ngành du lịch quốc gia hiện nay.