Nguồn Thu Bồn – Vu Gia trên con đường muối

Thứ ba - 20/12/2022 21:44
Ngày xưa, việc đi lại vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng lên miền núi chủ yếu là đi bộ hoặc theo ghe thuyền ngược dòng lên nguồn. Ở miền núi, không chỉ thiếu lương thực mà còn thiếu muối trầm trọng, muối phải chuyển từ đồng bằng lên và không phải dễ dàng mua được, nhiều khi người miền núi phải đốt cỏ tranh, lấy tro có chất mặn để dùng thay muối, nạn thiếu muối triền miên khiến nhiều đồng bào miền thượng bị bệnh bứu cổ, do đó với người miền núi, muối rất quý giá. Người đồng bằng mang các loại hàng hóa như, chiêng, ché, mắm, muối, cá khô, vải sợi... theo đường thủy và đường bộ đến vùng thượng du để mua bán, trao đổi lấy các sản vật ở miền núi như trầu, quế, tiêu, các loại gỗ quý, sừng tê giác, ngà voi, trầm hương, dây mây, mật ong... Vì muối là mặt hàng quan trọng nhất đối với cuộc sống cư dân miền núi nên con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược thường được gọi là con đường muối.
Sông Thu Bồn
Sông Thu Bồn
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m, nằm giáp giới giữa huyện Nam Trà My và Kon Tum, nơi đây có nhiều loại cây gỗ lớn như cẩm lai, kiền kiền, dỗi, lim..; nhiều loại dược liệu quý như trầm, sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, hà thủ ô...; thú rừng có các loại hổ, nai, heo rừng, chồn, cáo, trăn, rắn... Vùng Ngọc Linh có lượng mưa trung bình 4.000mm/năm, do vậy sông Thu Bồn quanh năm đầy ắp nước, các loại sản vật khai thác ở vùng rừng núi được thuyền bè vận chuyển về Cửa Đại, những sản vật của vùng đồng bằng cũng được thương lái đưa lên miền thượng để trao đổi hàng hóa.
Tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang; các sông A Vương, sông Kôn, sông Cái, sông Thanh chảy qua vùng đất mà người Cơ Tu đã sinh sống tự bao đời, các dòng sông này hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành nguồn Vu Gia. Vùng đất đầu nguồn Vu Gia trước kia là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, với nhiều lâm thổ sản quý giá. Ngày xưa, người Cơ Tu cư trú từ vùng chân núi phía tây Hòa Vang và Đại Lộc lên vùng cao, vượt qua biên giới sang tận nước Lào. Vùng rừng núi nơi người Cơ Tu sinh sống được bảo vệ rất tốt nhờ luật tục nghiêm ngặt, họ chỉ khai thác những sản vật mà luật tục cho phép, không được tùy tiện đốn cây, phá rừng, nhờ đó tài nguyên rừng được khai thác đúng mức, không làm mất cân bằng sinh thái và bảo vệ được nguồn nước.
Hai nguồn Thu Bồn và Vu Gia gặp nhau tại đất Giao Thủy (Đại Lộc), vùng dâu tằm nổi tiếng một thời. Qua khỏi Giao Thủy một đoạn, Thu Bồn tách thành hai nhánh sông, bao bọc một cù lao lớn gọi là Gò Nổi... Đất Bảo An - Gò Nổi từ xưa đã vang danh với nghề ươm tơ, dệt lụa, làm đường bát; từ đó chảy ra Hội An, cửa Đại. Dọc theo chiều dài dòng sông, nhiều bến thuyền đã được hình thành từ rất sớm, làm nơi vận chuyển hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi.
song giao thuyr
Sông Giao Thủy
Thu Bồn và Vu Gia là hai dòng sông đóng vai trò rất quan trọng trên con đường muối từ vùng đồng bằng ven biển lên vùng núi rừng phía tây xứ Quảng. Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy từ thời tiền sử, sơ sử đã hình thành một hành lang giao thương nối liền từ vùng đồng bằng xứ Quảng tới vùng rừng núi nam Trường Sơn và bắc Tây Nguyên và có thể sang tận đất Lào, mở rộng đến vùng văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và cả những vùng đất xa xôi như Ấn Độ, Trung Hoa.
Trong lòng đất trên đôi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia và các nhánh sông Tiên, sông Khang… còn ẩn chứa nhiều di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Ở vùng thượng nguồn, huyện Tiên Phước có các địa điểm Gò Miếu và Gò Quảng (Tiên Hà), Tiên Mỹ, Tiên Lãnh; Hiệp Đức có Hố Bà Đằng và 11 địa điểm dọc bờ tả ngạn sông Tranh thuộc xã Phước Gia; Nông Sơn có các địa điểm Thạch Bích, Gò Chùa (Quế Lâm), Bình Yên (Phước Ninh), Quế Lộc (Quế Trung), Vườn Đình (Quế Lộc), Phú Gia (Quế Phước); ở lưu vực sông Thanh khu vực bến phà Giằng thuộc xã Cà-di có khu mộ táng Sa Huỳnh khá lớn, ngược lên phía tây, tại vùng đồi núi ven suối Tabhing có khu mộ táng sa Huỳnh ở thôn Pa Xua; xuống vùng đồng bằng chân núi Đại Lộc có các địa điểm Gò Đình (Đại Lãnh), Đồi Vàng (Đại Đồng), Gò Mùn (Ái Nghĩa); ở Duy Xuyên có các di tích Gò Dừa, Mậu Hòa; vùng hạ lưu Thu Bồn tại Điện Bàn có khu mộ tángLai Nghi, Hội An có các di tích Hậu Xá, An Bang,... Đó là những khu mộ táng và  những khu cư trú cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm. Các nhà khảo cổ đã khảo sát và khai quật được nhiều di vật, minh chứng nguồn gốc bản địa của một nền văn hóa nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt; địa bàn phân bố của các di tích cho thấy các cư dân cổ Sa Huỳnh không chỉ cư trú ở vùng đồng bằng ven biển mà còn sinh sống ở vùng núi rừng Trường Sơn.
Trong số các di vật thời tiền sử đã tìm thấy ở vùng núi Quảng Nam, đáng chú ý nhất là chiếc trống đồng đường kính 82,5cm, hoa văn đúc nổi, trống thuộc loại II Heger, có niên đại khoảng những năm đầu Công nguyên được tìm thấy ở địa điểm Khe Lành Anh thuộc xã Sông Trà, (trước đây thuộc thôn 1B, xã Phước Trà). Tại di tích Bình Yên đã xuất hiện chiếc gương đồng có 8 chữ Hán “Kiến nhật chi quang, thiên hạ đại minh” (thấy ánh mặt trời, thiên hạ rực sáng), các di vật đó cho thấy các mối quan hệ văn hóa Sa Huỳnh – Đông Sơn, Sa Huỳnh – Hán.
Qua nghiên cứu sự phân bố di vật trong các mộ táng Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ cho rằng vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt, sức sản xuất của xã hội Sa Huỳnh đã khá cao, đó là những cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước ở đồng bằng và làm nương rẫy ở miền núi. Nhờ những công cụ, vũ khí bằng sắt như rìu, rựa, giáo, lao ... họ có thể tiến sâu vào rừng rậm để khai thác các loại gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác... là những sản phẩm mà các thương nhân Trung Hoa và vùng Tây Á rất ưa chuộng.         
Về lệ thuế đầu nguồn ở thế kỷ XVIII, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “…Nguồn Ô Da (Vu Gia) hàng năm tiền thuế 550 quan, song 20 cuộn, mây sắt 3.500 sợi, đèn cảm lãm (nhựa trám) 3.700 chiếc, dầu vừng 13 chĩnh. Nguồn Thu Bồn hàng năm nộp thuế vàng 3 hốt 8 lạng 3 đồng cân 1 phân, tiền thuế và tiền trầu 712 quan, sáp ong cân nặng 40 quan tiền, dầu nước 3 chĩnh, mỗi chĩnh 3 tiền, song 120 cuộn, mỗi cuộn giá 1 tiền, chiếu mây 2 đôi, mỗi đôi giá 1 quan, đèn cảm lãm 2.800 chiếc, mỗi chiếc giá 9 đồng, đèn mãn đường 2 chiếc, mỗi chiếc giá 5 tiền.” Lê Quý Đôn dẫn lời khách buôn người Quảng Đông họ Trần về giá cả hàng hóa lúc bấy giờ: “Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ. Cau thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu thì 12 quan 1 tạ, đậu khấu 5 quan, tô mộc (gỗ vang) 6 quan, hạt sa nhân 12 quan, thảo quả 10 quan, ô mộc (gỗ mun) 6 quan, hồng mộc 1 quan, hoa lê mộc (gỗ trắc) 1 quan 2 tiền, tê giác 500 quan, yến sào 50 quan, gân hưu 15 quan, vi cá 40 quan, tôm khô 6 quan, rau biển 6 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan,…”. Qua ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn, có thể biết hoạt động sản xuất, khai thác và buôn bán ở vùng đầu nguồn Quảng Nam khá nhộn nhịp. Thương lái từ đồng bằng vận chuyển muối, mắm, cá khô cùng các loại hàng hóa thiết yếu khác lên miền núi để đổi lấy sản vật được khai thác ở núi rừng như quế, tiêu, sáp ong, mật ong, mây, song, sa nhân, đậu khấu, thảo quả, các loại gỗ mun, gỗ trắc, gỗ vang, dầu trám, sừng tê giác, ngà voi, gân hưu…, được đem về Hội An để từ đó đưa đi nhiều nơi trong nước và bán cho thương nhân nước ngoài.
Dọc theo 2 bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn có những bến thuyền như Tý, Sé (Quế Lâm),  bến Bình Yên (Quế Phước), bến Cà Tang (Quế Trung)… ở đó có các di tích khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cũng là nơi nhiều loại lâm thổ sản được người dân địa phương khai thác ở các khu rừng trong vùng để bán cho thương lái vùng đồng bằng. Ở tả ngạn sông Thu Bồn thuộc xã Đại Thạnh, Đại Lộc. có một bến thuyền và chợ đầu nguồn, nơi đây tập trung các nguồn hàng lâm thổ sản khai thác từ vùng rừng núi phía tây, trong đó có dầu rái là loại hàng đặc trưng nên gọi là Bến Dầu… Vùng ngã ba sông Thanh và sông Nước Mỹ, từ xa xưa có một bến thuyền gọi là Bến Giằng, là nơi ghe thuyền từ miền xuôi chở hàng lên buôn bán với người Cơ Tu và Gié – Triêng; người dân tộc thiểu số ở đây khai thác được nhiều loại sản vật rừng dùng làm hàng hóa trao đổi muối và các vật dụng cần thiết khác. Tại huyện Đông Giang, vùng ngã ba sông Kôn có Bến Hiên, là nơi ghe thuyền của thương lái miền xuôi chở hàng lên buôn bán với người Cơ Tu. Tại huyện Đại Lộc, bên bờ sông Vu Gia thuộc thôn 1 xã Đại Sơn có địa danh Hội Khách, ở đây có bến thuyền và chợ phiên buôn bán khá sầm uất, mỗi tháng họp 2 phiên trên một bãi bồi ven sông, người Cơ Tu mang lâm thổ sản đến trao đổi hàng với thương lái từ miền xuôi chở lên. Từ các bến thuyền đầu nguồn, người dân địa phương tiếp tục gùi hàng lên vùng cao bằng đường bộ, có những bản làng rất xa phải đi bộ mất vài ngày mới đến. Các loại hàng hóa nhẹ ở miền núi được chở bằng ghe thuyền về xuôi, các cây loại gỗ lớn được kết thành từng bè, theo các dòng sông xuống đồng bằng…
Con đường muối hàng ngàn năm qua vẫn tồn tại, bên cạnh các loại hàng tạp hóa, kim khí, điện máy, vải vóc, quần áo, thực phẩm, thuốc men,… muối vẫn là mặt hàng không thể thiếu đối với đồng bào miền núi; các loại lâm, thổ sản từ rừng núi về xuôi vẫn là quế, tiêu, trầm, các loại cây dược liệu… Nhờ giao thông phát triển, phương tiện vận chuyển đã thay đổi, từ gùi hàng theo đường bộ, đi thuyền trên sông, nay hàng hóa được vận tải bằng ô tô đến tận các bản làng vùng biên giới, giúp đời sống đồng bào miền núi ngày càng tốt hơn.
 

 

Tác giả: Hồ Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 2617 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2568 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2721 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay956
  • Tháng hiện tại33,932
  • Tổng lượt truy cập1,236,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây