Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, Xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp Quốc Gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam" khai sinh Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Nhân dân ta. Trong dòng chảy hơn 70 năm, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh Cách mạng vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Với mong muốn giới thiệu những tư liệu điện ảnh tới các thế hệ khán giả thông qua các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ghi nhận và khẳng định những giá trị, thành quả cách mạng của đất nước, trong đó có nền điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua, Viện phim Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhân dịp kỷ niệm này.
Lịch chiếu phim chương trình điện ảnh Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam
Theo đó, Viện Phim sẽ tổ chức Triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" giới thiệu hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua, thông qua ba chủ đề cụ thể.
Chủ đề 1: Sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ; Hình ảnh - Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam"; Chủ đề 2: Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam gồm hình ảnh các tác phẩm tiêu biểu được sản xuất trong ba giai đoạn: thời kỳ kháng chiến (1953 – 1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976 – 1985) và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay); Chủ đề 3: Vinh danh nghệ sỹ điện ảnh: Chân dung 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Áp phích phim không chỉ là những bức tranh đơn thuần, mà nó còn mang một đời sống nghệ thuật riêng, như những tác phẩm mỹ thuật. Đó chính là phương thức truyền tải đến người xem phim những thông tin cơ bản và đầy đủ về tinh thần của bộ phim, qua đó thể hiện sự tiêu biểu cho một giai đoạn điện ảnh, đồng thời nâng cao hiệu quả quảng bá, góp phần không nhỏ vào thành công của mỗi bộ phim khi công chiếu rộng rãi. Ban Biên soạn mong muốn qua cuốn sách này sẽ giới thiệu về lịch sử Điện ảnh Việt Nam từ một góc nhìn khác.
Cuốn sách cũng là lời tri ân tới những nghệ sĩ thầm lặng phía sau màn ảnh, ghi nhận đóng góp của các thế hệ họa sĩ thiết kế điện ảnh trong thành công của mỗi tác phẩm điện ảnh nói riêng cũng như sự phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam nói chung. Những áp phích này chưa thể nói là đầy đủ để phản ánh được một chặng đường dài phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhưng sẽ là những miếng ghép giúp bạn đọc hình dung về con đường của điện ảnh Việt Nam một cách hoàn chỉnh hơn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn