KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH NHÀ YÊU NƯỚC PHAN CHÂU TRINH  (09/9/1872 - 09/9/2022)            

Thứ tư - 07/09/2022 22:24
Phan Châu Trinh - Tấm gương trọn đời vì dân vì nước
Một số hình ảnh trưng bày trong Nhà lưu niệm Chí sĩ Phan Châu Trinh
Một số hình ảnh trưng bày trong Nhà lưu niệm Chí sĩ Phan Châu Trinh
Trong lịch sử Việt Nam, Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất “Đất địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều danh nhân của đất nước, trong đó tiêu biểu, sáng chói nhất là Chí sĩ Phan Châu Trinh, người mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Phan Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại một làng quê nghèo vùng trung du - làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Tiên Phước (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Với tư chất thông minh, cần cù, hiếu học; sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến loạn, tuổi thơ Phan Châu Trinh trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc: năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, năm 1861 chiếm Nam Kỳ, năm 1873 chiếm Bắc Kỳ và năm 1885 chiếm kinh thành Huế, nước Việt Nam trở thành nước bị đô hộ, nhân dân Việt Nam trở thành người nô lệ. Trước cảnh đau thương ấy, phong trào Cần Vương bùng nổ, tại quê hương Quảng Nam, Phong trào Nghĩa hội là một trong những tổ chức hoạt động chống Pháp nổi tiếng mà cha ông là PhanVăn Bình đã tham gia, giữ chức vụ Quản cơ sơn phòng. Hòa mình với khí thế hừng hực đánh giặc, Phan Châu Trinh theo học võ nghệ với nghĩa quân, đến năm 1887, cha mất, Phong trào Nghĩa hội bị đàn áp trong biển máu, Phan Châu Trinh về quê đi học lại. Năm 1892, Phan Châu Trinh kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khi ông theo học với thầy Mã Sơn - Trần Đình Phong, một nhà giáo có đức độ, chí khí, tận tâm đào tạo nhân tài cho Quảng Nam để sau này có điều kiện giúp dân, cứu nước. Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ Phó bảng nhưng phải về nhà vì đám tang anh ruột và ông ở lại dạy học. Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ làm Thừa biện bộ Lễ, trong thời gian ở Huế, ông đọc sách về công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết tam dân “Dân  tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu; tư tưởng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp và những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ... Những tư tưởng tiến bộ đó đã tác động mạnh mẽ đến Phan Châu Trinh. Vì vậy, tuy sống làm quan ở kinh đô nhưng tấm lòng ông luôn mang nặng nỗi đau người dân nô lệ với thân phận của người mất nước, ông từ quan trở về quê Quảng Nam tìm đường cứu nước và năm 1904, tại làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu gặp nhau để bàn việc khởi sự.
Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh
Sau khi đàn áp dập tắt phong trào Cần Vương, những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nhân dân ta “một cổ hai tròng” bị bóc lột bởi sưu cao, thuế nặng cộng với chính sách ngu dân, chia để trị, kìm hãm sản xuất, vơ vét tài nguyên cung cấp cho chính quốc Pháp; trong nước các thế lực cường hào nông thôn ôm chân thực dân Pháp ra sức cho vay nặng lãi, thu địa tô, dân tình hết sức bi thảm, nông dân phải cầm cố, bán ruộng, bán vườn, làm thuê cho địa chủ. Tình cảnh đau thương khốn cùng ấy đã thôi thúc tấm lòng yêu nước của ông. Được tiếp thu những tư tưởng dân chủ tiến bộ, Phan Châu Trinh nhận thức về con đường cứu nước bằng cách mới chứ không theo con đường Cần Vương tuy oanh liệt nhưng kết cục đầy bi tráng như người cha của ông đã làm. Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh nhận thấy rằng cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân, ông đề ra chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Năm 1905, “Bộ ba” Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam. Đến trường thi Bình Định, ông viết bài thơ “Chí thành thông thánh”, bài xích lối học, thi cử từ chương, khoa cử lạc hậu. Tiếp tục vào Nam, ông đến Cam Ranh tìm hiểu sự tiến bộ của văn minh phương Tây nhân lúc chiến hạm Nga đang sửa chữa. Khi vào Bình Thuận, ông cùng các nhân sĩ hô hào duy tân, cải cách, thành lập công ty Liên Thành và trường Dục Thanh. Tại Phan Thiết, mặc dù bị bệnh, ông vẫn gắng sức tuyên truyền những tư tưởng mới về dân chủ, tự cường. Sau đó, ông về lại Quảng Nam, đầu năm 1906, ông ra Bắc, chuẩn bị thành lập cơ sở duy tân tại Hà Nội, lên Yên Thế, tìm hiểu hoạt động chống Pháp của lãnh tụ nông dân Hoàng Hoa Thám, rồi sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, tìm hiểu chính sách duy tân của nước Nhật.
       Trên hành trình bôn ba trong nước từ Nam ra Bắc, Phan Châu Trinh không ngừng diễn thuyết truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng của tư tưởng ấy, phong trào Duy Tân do ông khởi xướng đã thu hút gần hết các nhân sĩ yêu nước, nổi bật là các phong trào: cắt tóc ngắn, dùng hàng nội, mặc đồ âu, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan ... đã phát triển rầm rộ lúc bấy giờ. Với tư tưởng tự tôn dân tộc “Dân nghèo là dân dễ bị nô lệ”, Phan Châu Trinh vận động “dĩ thương hợp quần”, thành lập nhiều thương hội để tập hợp những người yêu nước, lo cho dân giàu, nước mạnh; mà ở Quảng Nam là nơi đầu tiên thực nghiệm chủ trương này của ông: Hiệp thương Công ty ở Hội An, Thương học Công ty ở Tiên Phước, các đồn điền khai khẩn ở Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước... được thành lập. Về dân trí, các trường học duy tân được ra đời, trong đó tập trung nhiều nhất ở Quảng Nam như ở Diên Phong, Phước Bình, Đại Lộc... mà tiêu biểu nhất là trường tân học Phú Lâm, Tiên Phước - nơi thực hành công cuộc cải cách của lý trưởng Lê Cơ... sau đó các mô hình cải cách xã hội này đã lan rộng ra cả nước, trong đó Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập có công lao rất lớn của Phan Châu Trinh.
      Những năm tiếp theo, với sự bùng nổ của phong trào cải cách, nền tảng tư tưởng dân chủ, dân sinh được bén rể ở nông thôn và dưới ảnh hưởng của phong trào; không thể chịu nỗi áp bức, cường quyền, cuộc sống lầm than cơ cực, nhân dân đã nhất tề vùng lên; phong trào xin xâu, chống thuế là hậu quả tất yếu của phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng và lãnh đạo, điều đặt biệt là phong trào có quy mô lớn nhất lại xuất phát từ chính quê hương Quảng Nam vào tháng 3/1908; hàng nghìn nông dân Đại Lộc kéo xuống Điện Bàn vây bắt tri phủ Trần Văn Thông giải về Hội An giao cho công sứ Pháp; tại Tam Kỳ nhân dân biểu tình thét vang đòi ăn gan tên Trần Tuệ (Đề Tuệ) khiến y phải khiếp sợ hộc máu mà chết. Từ Quảng Nam, phong trào nhanh chóng lan ra khắp nơi từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận. Lần đầu tiên trong lịch sử, có những cuộc biểu tình nổi dậy đòi dân sinh, dân chủ thể hiện sức mạnh của quần chúng nhân dân lao động, làm rung động cả bộ máy chính quyền thực dân và phong kiến, như Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã nhận xét “Tất cả mọi khẩu hiệu hành động của phong trào Duy Tân đều đi đến chỗ đề cao lòng yêu nước, đoàn kết vươn lên một thế giới mới. Những quan điểm này, khi nó còn nằm trong đầu óc một số sĩ phu thì cố nhiên là hiền lành, êm ả không bạo động... nhưng khi nó vào với nông dân, những người đang bị khốn cùng vì sưu cao, thuế nặng, vì đi phu, đi lính, vì quan lại cường hào sách nhiễu... thì nó không còn ngoan ngoãn nữa. Nó phải được phát tiết những căm hờn đang nung nấu. Nó phải lồng lên...”. Lúc bấy giờ, khắp nơi trong cả nước đã tung các truyền đơn phát huy dân Quảng Nam “Gan thay dân Quảng Nam. Oanh liệt thay dân Quảng Nam!”.
Trước sức mạnh như triều dâng thác đổ của phong trào xin xâu, chống thuế; thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man, hàng nghìn nông dân bị giết, bị tra tấn, tù đày; các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt đày đi Côn Đảo. Không thể làm lung lay ý chí của nhà yêu nước, trong tù ông luôn luôn tố cáo chế độ lao tù của thực dân, vì vậy ba năm sau (1911), thực dân Pháp buộc phải trả tự do, nhưng lại giam lỏng Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho. Bị ông phản đối quyết liệt, thực dân Pháp phải cho ông ra nước ngoài cùng con trai là Phan Châu Dật vào cuối năm 1911. Đến nước Pháp, Phan Châu Trinh tiếp tục đấu tranh, ông viết các tác phẩm nêu rõ thực trạng bần cùng của xã hội Đông Dương, tố cáo chính sách bóc lột của thực dân Pháp qua các tác phẩm “Trung kỳ dân biến kỷ mạt thí”, “Đông Dương chính trị luận”... Năm 1914, Phan Châu Trinh bị thực dân vu cáo thân Đức chống lại nước Pháp, ông bị bắt giam vào ngục Santé. Một lần nữa, khí phách của Phan Châu Trinh lại được tôi luyện thử thách trong gông cùm của nhà tù thực dân, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, từ Côn Đảo đến Mỹ Tho hay ngục Santé, ông vẫn không ngừng đấu tranh cho lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Tháng 7/1915, ra tù, cũng như mọi người dân mất nước nơi đất khách quê người, Phan Châu Trinh phải lao động khổ cực để kiếm sống và tìm điều kiện hoạt động. Với sự đồng cảm của người dân nô lệ, Phan Châu Trinh đã gặp Nguyễn Ái Quốc - sau này là Hồ Chí Minh. Ông đã nhìn thấy một tương lai rộng mở ở người cách mạng trẻ tuổi có nhiệt huyết này, đã giúp đỡ anh Nguyễn lúc cơ cực, cung cấp nhiều tư liệu cho Nguyễn Ái Quốc. Hoạt động của Phan Châu Trinh trong thời gian ở Pháp rất phong phú, ông giao tiếp với nhiều Việt kiều, nhà yêu nước, nhân sĩ tiến bộ như luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh... và cùng các nhân sĩ trí thức thành lập “Hội đồng bào thân ái” tại Pháp. Chính tấm lòng lo cho dân, cho nước ấy mà Phan Châu Trinh được mọi người yêu mến, kính trọng. Nguyễn Ái Quốc gọi Phan Châu Trinh thân mật là “Nghi bá” (người bác, bạn kết nghĩa với cha mình) hoặc là Bác và xưng là cháu hoặc “cuồng điệt” (đứa cháu hăng say), hay “ngu điệt” (đứa cháu dại khờ). Và lúc này, Phan Châu Trinh mới có dịp chiêm nghiệm lại sự thành bại hoạt động chính trị của mình và nhận thấy con đường cứu nước đối với nhân dân Việt Nam không thể theo khuynh hướng dân chủ tư sản, với tri thức của nhà cách mạng tiền bối và qua kết thân với Nguyễn Ái Quốc, ông có điều kiện tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và đã có tầm nhìn xa về tương lai của Nguyễn Ái Quốc, kỳ vọng vào anh Nguyễn như sau này ông nói với Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Huân: “Độc lập của nước Nam ta sẽ trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”. Tuy ở ngoài nước, nhưng tấm lòng hướng về tổ quốc vẫn không nguôi, Phan Châu Trinh tìm mọi cách để về nước hoạt động nhưng không được. Năm 1925, chính sách thuộc địa thay đổi, đặc biệt tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ,  sâu sắc. Phan Châu Trinh về quê hương sau 14 năm ở Pháp. Nhưng do lao tâm, lao lực và bệnh cũ tái phát, ngày 24 tháng 3 năm 1926, Phan Châu Trinh vĩnh viễn ra đi tại Sài Gòn trong vô vàn niềm thương tiếc của đồng bào cả nước.
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, ông chịu hy sinh tất cả bản thân và gia đình, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người đến ly tán gia đình vợ con và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng lòng vẫn đau đáu mong sao cho dân tộc được độc lập, nhân dân được no ấm, hạnh phúc. Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà cách mạng đi tiên phong trong phong trào dân chủ, dân quyền. Ngày Phan Châu Trinh qua đời, cả nước để quốc tang, trong đó tình cảm của nhân dân Quảng Nam cũng tràn đầy tình sâu nghĩa nặng. Lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Hội An đã thu hút đông đảo học sinh, công nhân, nông dân, trí thức yêu nước tham gia. Đăc biệt, tại quê hương ông (Tiên Phước và Tam Kỳ) có trên 1.000 người dự, đồng bào đeo băng tang và để tang đến ba ngày. Trong lịch sử Việt Nam từ trước cho đến lúc ấy, chưa có nhà chí sĩ yêu nước nào được quốc dân đồng bào tổ chức tang lễ long trọng như vậy, nhất là ngay dưới chế dộ thống trị tàn bạo của thực dân, điều ấy chứng tỏ lòng dân yêu mến Phan Châu Trinh đến vô cùng.
Cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Phan Châu Trinh, nhà cách mạng kiên trung, trọn đời vì dân, vì nước, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam và nhân dân cả nước. Cuộc đời phong phú, sự nghiệp lớn lao, tâm hồn và nhân cách trong sáng, đạo đức cao đẹp của Phan Chu Trinh là tấm gương ngời sáng, là bài học đầy sức sống để thế hệ hôm nay học tập, tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp ấy như cách đây trên 96 năm (1926), nhân dân Tam Kỳ đau buồn, thương tiếc với lời điếu đám tang Nhà chí sĩ: “Chuông rung, mõ gõ, hò hét lối văn minh, mười mấy năm sắt đá như in, chín suối chửa tan hồn cố quận. Đất lật, trời nghiêng, rủi may đường vận mệnh, trong ba cõi nước non còn đó, ngàn thu tạc dấu anh hùng”. Đó cũng là lời ca ngợi từ đáy lòng nhân dân Quảng Nam đối với nhà yêu nước kiệt xuất Phan Châu Trinh - một trong những nhân vật xuất sắc đã làm biến chuyển lịch sử và xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX.

                                                                                                    

Tác giả: Nguyễn Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 2672 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2612 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2759 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay916
  • Tháng hiện tại15,866
  • Tổng lượt truy cập1,259,080
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây