Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Một góc nhìn văn hóa ...

Chủ nhật - 28/11/2021 21:17
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh của du lịch khu vực Hội An - Mỹ Sơn, du lịch miền núi Quảng Nam bắt đầu có những chuyển biến. Được sự đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức như Lao động quốc tế (ILO), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ & Phát triển Quốc tế Việt Nam  - Nhật Bản (FIDR), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… cùng một số doanh nghiệp trong nước đã có những dự án được triển khai giúp đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tạo sinh kế như Dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” tại xã Tà Bhing (huyện Nam Giang), mô hình du lịch homestay tại làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang); huyện Nam Trà My có Dự án “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm, du lịch văn hóa cộng đồng giai đoạn 2017-2025”. Huyện Tây Giang đang triển khai Đề án “Xây dựng làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng và thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững”… Những công việc đó bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, tuy vậy số lượng du khách đến miền núi còn khiêm tốn, có những thời điểm vắng khách, đời sống của người làm du lịch miền núi rất bấp bênh, cơ sở vật chất hư hao nhưng thiếu nguồn đầu tư tôn tạo, nâng cấp khó làm hài lòng du khách.
Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu luôn được bảo tồn và phát huyok
Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu luôn được bảo tồn và phát huy. Ảnh: H.T
Để phát triển du lịch bền vững ở vùng dân tộc thiểu số miền núi, bên cạnh việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, cần phải bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hoá truyền thống các tộc người, đó là những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như kiến trúc, ẩm thực, lễ hội dân gian, trang phục truyền thống, nghệ thuật cồng chiêng, múa… Trong lễ hội, cùng với lễ tế, múa, âm nhạc thì trang phục truyền thống là yếu tố quan trọng tạo nên không khí tưng bừng nhộn nhịp, mang sắc màu của đại ngàn Trường Sơn có khả năng hấp dẫn du khách.
Ngày xưa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sống tự cấp tự túc, ít giao thương với đồng bằng, do vậy hầu hết các tộc người đều tự làm ra trang phục để che thân hàng ngày và sử dụng trong lễ hội. Thuở nguyên sơ, người dân miền núi dùng vỏ cây đập dập, ngâm nước rồi phơi sương phơi nắng cho vỏ cây mềm và khô, sau đó dùng dây mây kết làm áo, khố… Dần dà về sau người ta biết kéo sợi bông dệt vải, nhuộm màu sợi để dệt hoa văn. Các màu sắc dùng để nhuộm sợi của các tộc người dân tộc thiểu số được pha chế theo kỹ thuật truyền thống, từ thảo mộc và một số nguyên liệu tự nhiên của núi rừng. Người ta ngâm lá cây tà-râm và nấu cô đặc để có được màu sắc chàm sẫm, xanh đen. Để có màu đỏ, người ta dùng củ nâu, củ mài gọt vỏ giã nát, chắt lấy nước rồi nấu lên, cô đặc. Màu vàng được chiếc xuất từ cây vàng đắng và củ nghệ…
Mỗi tộc người có cách trang trí hoa văn và sử dụng màu sợi khác nhau tùy theo tư duy thẩm mỹ, thế nên trang phục cổ truyền của dân tộc thiểu số vừa là vật dụng, vừa là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nó thể hiện một phần sắc thái văn hóa tộc người. Nền vải chủ đạo của trang phục truyền thống các tộc người miền núi Quảng Nam là màu chàm đen, chàm nhạt, mỗi tộc người trang trí các dải hoa văn hình học màu vàng, đỏ, trắng theo mô-típ riêng của họ.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Bh’Noong gồm áo cộc tay và váy phủ đến bắp chân màu chàm sẫm, các dải hoa văn màu vàng, trắng đỏ chạy quanh thân áo váy, dưới chân quấn xà cạp để chống côn trùng. Đàn ông đóng khố với các dải hoa văn hình học chạy ngang dưới chân khố, ngày xưa thân trên quàng tấm choàng, nay đã cách điệu thành áo ghi-lê.
Ngày lễ hội, phụ nữ Cor mặc áo yếm hoặc áo cộc tay màu trắng, váy dài chấm gót chân màu chàm sẫm, chân váy trang trí các dải hoa văn hình học màu trắng, đỏ, vàng chạy quanh thân, cổ và thân đeo nhiều chuỗi cườm đủ màu, dịu dàng uyển chuyển trong điệu múa Ka đáo. Đàn ông Cor đóng khố chàm sẫm với những dải hoa văn màu xanh, vàng, đỏ chạy ngang; thân trên quấn xà-pôn, là một tấm choàng rộng được xếp lại quấn chéo trước ngực, tay cầm chiêng, mạnh mẽ nhanh nhẹn trong màn đấu chiêng đôi.
Phụ nữ Ca Dong (Xơ Đăng) mặc váy màu chàm đen che ngực, váy dài đến bắp chân, trang trí nhiều dải hoa văn màu vàng, đỏ xen kẻ chạy quanh thân, chân váy kết nhiều tua vải đủ màu; ngang hông quấn thắt lưng trắng. Đàn ông Ca Dong đóng khố chàm đen với mảng hoa văn chạy dọc tấm khố, thân trên quấn chéo một tấm choàng dệt các dải hoa văn màu vàng, trắng, đỏ. Trong lễ hội, nam nữ Ca Dong trong trang phục truyền thống nắm tay nhau thành vòng tròn, nhịp nhàng di chuyển theo điệu cồng chiêng.
Trang phục truyền thống của người Cơ Tu ngày xưa chủ yếu là nền chàm sẫm, hoa văn trang trí đơn giản, về sau theo xu thế phát triển tư duy thẩm mỹ, người Cơ Tu đã dệt nhiều dải hoa văn hình học, hoa văn người múa Ya yá với các màu vàng trắng, đỏ quanh thân váy, khố và tấm choàng; độc đáo nhất, người Cơ Tu có cách dệt hạt cườm chì, cườm nhựa trắng tạo thành hoa văn rất đẹp mắt. Ngày lễ hội, phụ nữ Cơ Tu quấn váy che ngực, dài chấm gót chân, nhẹ nhàng trong điệu múa Ya yá; đàn ông đóng khố, thân trên đeo chéo tấm choàng, tay cầm giáo hoặc gươm cùng với chiếc khiên, khiên dũng mãnh trong điệu múa Tân tung.
Ngày nay, để tiện dụng trong sinh hoạt hằng ngày, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đã mặc quần áo như người Kinh. Trang phục truyền thống ít được sử dụng hằng ngày mà chỉ dùng trong các dịp lễ hội. Từ đó nhiều bản làng không còn giữ được nghề dệt, họ phải mua thổ cẩm của tộc ngời khác rồi may trang phục theo kiểu của dân tộc mình, dần dà không còn giữ được kiểu hoa văn cổ truyền trên trang phục, vì vậy, muốn bảo tồn được trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, trước tiên phải gìn giữ, và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng các dân tộc.
Một trong những lý do nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một là vì khung dệt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất thô sơ, người thợ phải mất rất nhiều công sức và thời gian để dệt xong một tấm vải, do đó giá thành của một tấm thổ cẩm rất cao, khó thu hút người mua, trong khi đó vải vóc, áo quần ở đồng bằng giá rẻ và tiện dụng, nhiều người không muốn mất quá nhiều công sức cho một tấm vải thổ cẩm, chính vì thế nhà nước và các nhà kỹ thuật cần hỗ trợ đồng bào cải tiến khung dệt theo hướng vẫn giữ được sợi vải, màu sắc và hoa văn truyền thống nhưng rút ngắn thời gian dệt một tấm vải, hạ giá thành sản phẩm, phù hợp với giá cả thị trường. Có như vậy mới khuyến khích bà con giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm, bảo tồn được trang phục truyền thống của tộc người.
Để phù hợp với đời sống hiện đại, đồng thời vẫn thể hiện bản sắc từng tộc người, cần có sự cách tân để đưa trang phục thổ cẩm vào đời sống thường ngày. Thực tế cho thấy một số tộc người đã cải tiến thành công trang phục thổ cẩm, họ may những chiếc áo ghi-lê dành cho nam giới, váy dài phụ nữ được cắt may rất gọn gàng, tiện dụng và gần gũi với trang phục truyền thống.
Trong những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh việc hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề dệt thổ cẩm, cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp các nghệ nhân dệt có thể ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, trao đổi, buôn bán các sản phẩm thổ cẩm thông qua các tour du lịch văn hóa – sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, du khách đến tận bản làng để trải nghiệm sinh hoạt đời thường và tham dự các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số, xem bà con kéo sợi, dệt vải, từ đó họ có thể mua các sản phẩm tại chỗ; thực tế cho thấy khoảng 70-80% du khách muốn mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngay tại nơi sản xuất của người dân để làm quà lưu niệm… Có được lợi ích thiết thực từ dịch vụ du lịch mang lại, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sẽ tích cực gìn giữ, phát triển nghề dệt và trang phục truyền thống.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid–19 và thiên tai đã ảnh hưởng nhiều đến du lịch miền núi Quảng Nam. Hy vọng trong những năm đến, việc phục hồi du lịch sẽ được đẩy mạnh bằng các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Sự chủ trì của Nhà nước, sự tham gia tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số và sự đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giúp du lịch miền núi Quảng Nam từng bước phục hồi, phát triển bền vững đồng thời bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Tác giả: Hồ Xuân Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 609 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 620 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 628 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,623
  • Tháng hiện tại41,157
  • Tổng lượt truy cập501,317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây