Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm dành nguồn lực và trách nhiệm để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa. Trong đó, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, đậm đà phong vị chất quê, hồn quê gắn với củng cố tình yêu quê hương, cố kết tình làng nghĩa xóm, gia đình, dòng tộc và cộng đồng luôn được quan tâm chỉ đạo xuyên suốt gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.
Qua thực tiễn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các tiêu chí do ngành phụ trách (đến nay, có 165 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; gần 170 xã đạt tiêu chí số 16 về Văn hóa; 24 xã đạt tiêu chí văn hóa xã NTM nâng cao; 01 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu nổi trội về Văn hóa (Điện Quang); 02 xã đã thẩm định đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu nổi trội về Văn hóa (xã Điện Phong và xã Điện Trung); nhiều xã đăng ký năm 2025 phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Văn hóa; gần 690 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi được xây dựng và hoạt động có hiệu quả ở cơ sở. Bằng nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đã từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, đặc biệt là xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao xã gắn với Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được vui chơi giải trí, học tập thường xuyên, học tập suốt đời; phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể khẳng định rằng việc thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã tạo ra cơ hội để xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt, thực hành di sản văn hóa, lễ hội, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc; duy trì, gắn kết các hoạt động văn hóa và thể thao truyền thống trong cộng đồng dân cư, hình thành môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập, nghịch lý như: Ở một số địa phương các thôn, xã đã có nhà văn hóa, khu thể thao nhưng vẫn thiếu mô hình, phương pháp, cách thức hoạt động hiệu quả, chưa tạo ra phong trào thường xuyên; tệ nạn xã hội ngày càng xâm nhập vào môi trường nông thôn.
Nhiều địa phương, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp khó khăn. Quỹ đất dự trữ trong khu dân cư không đủ để quy hoạch đạt so với tiêu chí đề ra, dẫn đến bố trí đất thiết chế văn hóa ở khu vực cách xa khu dân cư nên khó khăn cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ. Ở vùng miền núi, cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao còn nhiều khó khăn, khó tạo mặt bằng để xây sân chơi, bãi tập; mặt khác dân cư sống phân tán nên khó vận động tổ chức được các hoạt động thể dục, thể thao quy mô và thường xuyên. Việc sáp nhập thôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, bảo trì và vận hành Nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
Công tác tổ chức lễ hội một số nơi còn đơn điệu, nội dung chưa sâu sắc, tính giáo dục truyền thống chưa cao. Hệ thống dịch vụ, hàng quán chưa được sắp xếp, quy hoạch một cách khoa học, ảnh hưởng đến cảnh quan di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội. Du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên; nguyên nhân chính do thiếu nguồn lực đầu tư đạt chuẩn các thiết chế văn hóa, điểm vui chơi giải trí trẻ em và người cao tuổi; chưa hình thành nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa, thể thao ở cơ sở để duy trì hoạt động thường xuyên tại chỗ ở các thiết chế văn hóa, thể thao; bộ máy cán bộ, cộng tác viên văn hóa, hướng dẫn viên thể thao còn hạn chế. Xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư còn nặng về hình thức; công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, giáo dục đời sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình chưa đạt kết quả cao; an ninh trật tự ở một số nơi chưa đảm bảo nên dễ phát sinh tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư; nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp; số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”; dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.