Nơi hội tụ các tinh hoa di sản văn hóa
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể thế giới.
Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, mang đến cho du khách và Nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, lễ hội là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 20 năm, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa thế giới theo tinh thần của Công ước. Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới.
Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa trong cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới.
Các di sản văn hóa này cùng với hệ giá trị đậm đà bản sắc đã được hun đúc, định hình nên hồn cốt Dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Tại sự kiện, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Chritian Hanhart cũng cho biết, di sản hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên toàn thế giới. Di sản văn hóa phi vật thể có tầm quan trọng cả về mặt xã hội lẫn kinh tế vì nó thúc đẩy sự gắn kết xã hội và giúp mỗi chúng ta cảm nhận được mình là một phần của xã hội. Chính phủ Việt Nam cũng đã đề cao tầm quan trọng của việc phát huy mọi khía cạnh văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Chritian Hanhart nhấn mạnh, để di sản sống được chuyển giao cho các thế hệ sau, di sản cần được coi trọng, đánh giá đúng và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được các quốc gia thành viên UNESCO thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng vào tháng 11.2003 chính là công cụ thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể.
Thống nhất trong đa dạng
Với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, đêm khai mạc đã diễn ra trang trọng với phần dàn dựng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, lấy ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật các di sản văn hóa làm chủ đạo, làm nổi bật không gian lễ hội, đậm nét văn hóa các vùng, miền.
Chương trình lồng ghép nhiều ý tưởng, nội dung, vừa tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO ghi danh, vừa ca ngợi công ơn Vua Hùng, các tiền nhân đã góp phần dựng nước, giữ nước, ca ngợi Tổ quốc.
Chương trình gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; Tinh hoa di sản, Khát vọng Lạc Hồng, với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân; trong đó có các nghệ sĩ, nghệ nhân: Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Dịu Hương, nghệ nhân Văn Tuấn, Khánh Hồng, nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hưng...
Chia sẻ về chương trình, Tổng đạo diễn Lê Thế Song cho biết: Ê kíp thực hiện mong muốn, thông qua chương trình nghệ thuật khai mạc, mọi người có thể cảm nhận tốt hơn, sâu hơn về những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan.
Đặc biệt, màn trình diễn ấn tượng của 100 nghệ nhân hát xoan và 200 học sinh tiểu học là con cháu của các nghệ nhân 4 phường xoan của Phú Thọ, đã thể hiện sự giao truyền thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc.
Khán giả xem chương trình còn có dịp tìm hiểu các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như: Hát then, hát ca trù, nghệ thuật xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, đờn ca tài tử Nam Bộ, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Điều này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, mỗi người Việt Nam đều là con cháu Vua Hùng... dù đa dạng bản sắc nhưng thống nhất trong sự phát triển, xây dựng một đất nước tươi đẹp, hòa bình, có sức sống hàng ngàn đời, có bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc, không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là niềm tự hào của không riêng Phú Thọ mà của cả dân tộc Việt Nam.
Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam gồm 5 sự kiện, hoạt động chính: Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị - Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn