Ngàn năm biển đảo quê hương

Thứ năm - 10/08/2023 03:44
Nằm trong vùng Biển Đông, lãnh hải Việt Nam rộng chừng 1 triệu km2. Bờ biển nước ta dài 3.260km, hải phận kéo ra ngoài 12 hải lý (trên 22km) và vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý tương ứng với chiều rộng của thềm lục địa ở đáy biển, thềm nầy nối dài bờ biển ra ngoài khơi đến độ sâu 200m. Trên Biển Đông, nhiều đảo và quần đảo được nối với đất liền của nước ta thông qua thềm lục địa như Hoàng Sa, Trường Sa, Hạ Long, Bái Tử Long, Hòn Mê, Hòn Chuối, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quốc, Côn Lôn... (1) Phần biển – đảo này đã được Việt Nam xác định chủ quyền từ mấy trăm năm trước.
Cù Lao Chàm - Ảnh: Minh Hải
Cù Lao Chàm - Ảnh: Minh Hải
Người cổ sống trên dãi đất duyên hải của nước ta đã vươn ra biển và khai thác tài nguyên biển để sinh sống cách nay hàng ngàn năm. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam cho thấy biển – đảo Việt Nam là nơi sinh sống quen thuộc và mang lại nhiều nguồn lợi cho các cư dân cổ vùng duyên hải và hải đảo. Trong khu vực vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật cuối thời hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, thuộc văn hóa Soi Nhụ, có niên đại cách ngày nay 18.000-7000 năm. Cư dân cổ Soi Nhụ cư trú chủ yếu trên các đảo đá vôi của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Cũng trên vùng vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di vật có niên cách nay khoảng 5.000-3.000 năm thuộc văn hóa Hạ Long, người cổ Hạ Long cư trú chủ yếu trên các cồn cát, bãi triều cửa sông, ven biển, một số ít sống trong các hang động đá vôi. Theo các nhà khảo cổ, với sự phát triển của kỹ thuật chế tác công cụ lao động, trồng cây lấy sợi và kinh nghiệm sống trên biển, người cổ Hạ Long đã biết làm ra những phương tiện như bè, mảng, thuyền độc mộc để di chuyển trên biển đánh bắt hải sản.
Làng chài Cái Bèo thuộc huyện đảo Cát Hải, trong quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng là một trong những ngôi làng chài cổ nổi tiếng ở nước ta được hình thành vào thời tiền sử. Cái Bèo được đánh giá là một di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất hiện nay của vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam, có niên đại cách ngày nay khoảng 6000-7000 năm.
Tại xã Quỳnh Văn trong vịnh biển cổ Quỳnh Lưu- tỉnh Nghệ An, các nhà khảo cổ đã phát hiện các di tích “đống rác bếp” (Kjökkenmodding), di vật chủ yếu trong tầng văn hóa là vỏ các loại điệp, sò cùng công cụ lao động bằng đá được ghè đẽo thô sơ, một số đồ gốm dùng để đun nấu... Người cổ Quỳnh Văn sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, săn bắt và bước đầu đã biết đến nông nghiệp. Di chỉ Quỳnh Văn là địa điểm tiêu biểu nhất của văn hóa thời kỳ đồ đá mới vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, có niên đại khoảng 6.000 – 3.500 năm cách ngày nay.
Nghiên cứu các di vật và xương cốt động vật khai quật được tại khu di tích cồn sò điệp Bàu Dũ (Tam Xuân, Núi Thành) có niên đại cách nay khoảng 6000 năm, các nhà khảo cổ cho rằng cư dân cổ Bàu Dũ sinh sống bằng săn bắt, hái lượm và đánh bắt cá sông, biển. Trong tầng văn hóa có nhiều xương của những loại cá lớn sống ở biển sâu, cho thấy họ đã có phương tiện để ra khơi xa bắt cá. Người cổ Bàu Dũ đã trụ bám, tồn tại, phát triển được ở đó và trở thành một trong những chủ nhân đầu tiên của vùng biển Nam Trung Bộ.
Ở vùng hải đảo, người cổ đã có mặt từ hàng ngàn năm trước ở Bãi Ông - Cù Lao Chàm. Tầng dưới là di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng, có niên đại cách nay khoảng 3000 năm; tầng trên với những di vật gốm Chăm, gốm thời Đường có niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Ở vùng hải đảo Lý Sơn có các di tích Xóm Ốc, Suối Chình; Xóm Ốc là di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên đảo gần bờ, là di tich nằm ở giai đoạn Tiền Sa Huỳnh, có niên đại cách nay khoảng 3000 năm. Trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) nhiều di vật khảo cổ học thời kỳ Tiền Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện. Căn cứ vào các kết quả khảo cổ học tại quần đảo Côn Lôn, các nhà nghiên cứu cho rằng đã có sự hiện diện của con người từ thời tiền sử tại Côn Đảo, niên đại các địa điểm khảo cổ học này được xác định  vào khoảng giữa sơ kỳ thời đại Kim khí và có quan hệ mật thiết với di vật thời tiền Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Vùng đồng bằng và cồn cát ven biển ven biển Quảng Nam có các địa điểm thuộc giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh như Bàu Trám, Tam Mỹ, Phú Hòa, Hậu Xá, An Bang, Xuân Lâm, Lai Nghi, Vườn Thoáng… Trên đất Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ đã khai quật được các di tích Sa Huỳnh, Long Thạnh, Bình Châu I, Bình Châu II, Phú Khương, Thạnh Đức… Từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, vùng đồng bằng ven biển có  các di tích Bàu Đỏ (Bình Định), Gò Ốc, Gò Bộng Dầu(Phú Yên), Xóm Cồn, Bích Đầm, Hòn Tre (Khánh Hòa), Hòn Đỏ (Ninh Thuận), Bàu Hòe (Bình Thuận)… Qua nghiên cứu các di vật trong các mộ táng Sa Huỳnh ở Việt Nam và một số di tích cùng thời ở Philippin, Trung Hoa, Thái Lan... như mã não, khuyên tai 2 đầu thú, khuyên tai 3 mấu bằng đá nephrit, tiền đồng Ngũ Thù... các nhà khảo cổ cho biết, người cổ Sa Huỳnh giao dịch với thế giới bên ngoài qua đường bộ và đường thủy, nhưng thuận lợi nhất vẫn là đường thủy; với những thuyền bè thô sơ, nương theo các dòng hải lưu của Thái Bình Dương, họ có thể đến được các miền đất khác trong vùng Đông Nam Á, Nam Trung Hoa đồng thời thuyền bè của cư dân cổ các vùng khác cũng cập bến một số nơi ở ven biển Việt Nam để trao đổi mua bán các sản phẩm cần thiết.
Biển Đông nối liền nhiều quốc gia trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, từ xa xưa đã là con đường hàng hải quốc tế quan trọng, tuyến giao thông rất nhộn nhịp xuất hiện trên Biển Đông gọi là Con đường tơ lụa trên biển hoặc con đường gốm sứ, bởi ngoài những mặt hàng như hồ tiêu, trầm hương..., tơ lụa và gốm sứ là hai loại hàng hóa được chuyên chở thường xuyên từ Trung Quốc và Việt Nam đi đến các nước Nam Á và Tây Á. Con đường gốm sứ trên Biển Đông nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại và giao lưu văn hóa giữa các nước phương Đông và phương Tây.
Trên con đường hàng hải đó, nhiều tàu buôn cổ gặp bão tố, tai nạn, bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bình Châu (Quảng Ngãi), Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang… nhiều loại hàng hóa được sóng đánh dạt vào bờ hoặc các đảo xa, trong quá trình ra khơi xa đánh cá, ngư dân miền Trung đã vớt được khá nhiều hàng hóa ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chính vì thế, để xác định chủ quyền trên các quần đảo xa bờ của Việt Nam, đồng thời thu nhặt vật phẩm trên các tàu đắm, các loại hải sản quý trên vùng hải đảo, các chúa Nguyễn đã cho lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải, lựa chọn những người giỏi đi biển, phái ra các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn để khai thác sản vật. Chưa rõ đội Hoàng Sa được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn vào năm nào, chỉ biết là vào tháng 4 năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai đo đạc bãi cát Trường Sa dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu(2). Tháng 7 Giáp Tuất 1754, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn. (Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc một ngày đi đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý trường sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm vào tháng 3 thì đi thuyền ra, độ 3 đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản)(3). Như vậy, chắc hẳn đội Hoàng Sa đã được thành lập trước thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), mùa thu tháng 8, Vua bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một giãi Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường mắc cạn bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời” (4). Đến tháng 6 năm 1835 vua Minh Mạng lại cho xây đền thờ thần và dựng bia đá ở đảo Hoàng Sa.(5) 
Tại hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25 đến 26/9/2014, các nhà khảo cổ đã đưa ra nhiều phát hiện khảo cổ học ở Trường Sa. Những cứ liệu khảo cổ học thu thập được giúp khẳng định sự có mặt rất sớm của người Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ít nhất là từ cuối thời Trần và liên tục có mặt trong các thế kỷ sau. Trên đảo Nam Yết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong hố khai quật có dấu vết của bếp lửa những đống vỏ sò, ốc cùng hàng trăm mảnh gốm men trắng vẽ chỉ lam quanh miệng, đây là loại gốm Đồng Nai, Biên Hòa giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Đó là bằng chứng khẳng định nơi cư trú của người Việt trong thời gian dài...(6) 
          Biển – đảo Việt Nam có vị trí quan trọng trong tuyến giao thông hàng hải trên biển Đông, đồng thời có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu mát mẽ là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta khai thác, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh. Cùng với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển – đảo, chúng ta phải quý trọng và bảo vệ thiên nhiên, không khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn hải sản. Trong phát triển đô thị, cần thận trọng đối với vùng ven biển, không lấp kín các bãi biển bằng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Chú trọng việc chống xói lở bờ biển bằng việc trồng cây dương ở vùng cát, phát triển diện tích các loại cây bần, đước, sú, vẹt ở vùng đất ngập nước ven biển…
                                                                      Hồ Xuân Tịnh
----------
1 Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục. 2002. Tr. 8-9
2 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục tập I. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục. 2002. Tr 126
3 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục tập I. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục. 2002. Tr 164
4 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục tập III. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục. 2007. Tr. 743
5 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục tập IV. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục. 2007. Tr. 673
6 Mai An. Nhiều bằng chứng khảo cổ khẳng định sự có mặt sớm của người Việt ở Trường Sa. Sài Gòn Giải phóng  
  Online 25/9/2014
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 2392 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2361 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2548 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,334
  • Tháng hiện tại15,968
  • Tổng lượt truy cập1,165,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây