Tối qua 22/11, Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản” đã khai mạc tại Nghệ An.
Sự kiện do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Bộ NN&PTNT tổ chức, nhằm chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và nằm trong khuôn khổ triển lãm “Sắc màu Di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” diễn ra tại tỉnh Nghệ An.
Ngay trong đêm khai mạc, các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam đã trình diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quảng Nam về miền di sản”.
Vinh dự hơn nữa là tiết mục Diễn xướng dân gian bài chòi của Đoàn Nghệ thuật Trung tâm Văn hóa Quảng Nam được chọn trình diễn mở đầu trong đêm khai mạc.
Cạnh đó còn có các tiết mục: Diễn xướng dân gian bài chòi (Tác giả: Trung Phước; biểu diễn là tốp ca nam, nữ và tốp múa). Múa Hồn gốm (Âm nhạc Thanh Hải; biên đạo Ngọc Trâm; biểu diễn tốp múa nam nữ); trình diễn trang phục áo dài truyền thống là bộ sưu tập “Xưa và nay” (Nhạc ca khúc Đêm hội phố Hoài; dàn dựng Thanh Côi; biểu diễn tốp diễn viên nam, nữ); ca khúc Về miền di sản (Sáng tác Đức Thịnh; biên đạo Ngọc Trâm; biểu diễn tốp ca nam, nữ và tốp múa phụ họa).
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của trung tâm tích cực tham gia dàn dựng và tập luyện chu đáo nhằm đem đến liên hoan một chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu và quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất và con người xứ Quảng. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống với các địa phương trên toàn quốc”.
Chương trình nghệ thuật của Quảng Nam đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả tỉnh Nghệ An và các đoàn tham gia liên hoan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phước - tác giả viết lời mới và dàn dựng tiết mục Diễn xướng dân gian bài chòi nói: “Tôi rất vinh dự vì tiết mục của tôi được mở màn cho đêm khai mạc của chương trình lớn này. Từng lời hát, cùng sự diễn xuất duyên dáng, hài hước và có sự ứng biến linh hoạt đã làm toát lên những nét đặc trưng của bài chòi – loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người dân Quảng Nam”.
Toàn bộ tiết mục trình diễn hô hát bài chòi đã tái hiện không gian hô hát bài chòi tươi vui, ca ngợi những nét văn hoá đặc sắc, về con người mến khách, chân tình thuần hậu.
Đặc biệt, thể hiện tinh thần của đoàn Quảng Nam là giao lưu, hoà mình vào không khí của ngày hội cùng với các tỉnh, thành trong cả nước.
Lời bài chòi cất lên “Bài chòi trống giục hiệu rao/ Nét đẹp văn hóa con người Quảng Nam/ Từ cụ ông cho tới cụ bà/ Gái trai trẻ nhỏ nhà nhà cùng đi”, như lời hiệu triệu về đây hội tụ những sắc màu di sản.
Hay có lời giới thiệu những di sản văn hoá của tỉnh Quảng Nam như: “Bà con ơi! Hôm nay rực rỡ cờ hoa/ Sắc màu di sản nào ta cùng về/ Bài chòi xứ Quảng miền quê/ Góp vui ngày hội ta về bên nhau đó bà con ơi”.
Đồng thời giới thiệu, quảng bá những điểm đến du lịch của xứ Quảng: “Ghé Mỹ Sơn còn vương màu trầm tích/ Hòn Kẽm Đá Dừng, Cù Lao Chàm du khách nhớ về thăm…” làm say đắm lòng người qua các điệu hò Quảng, xuân nữ, lý vãi chài…
Còn tiết mục múa “Hồn gốm” đã được các diễn viên múa trình diễn nhuần nhuyễn phản ảnh “người là hoa của đất, đất là nhụy của gốm” giới thiệu làng gốm Thanh Hà – Hội An.
Với đạo cụ các nắm đất sét và bình gốm, các động tác múa của các diễn viên đã “kể” câu chuyện về làng nghề gốm với đất, lửa, và nước đã nhào trộn, nương tựa đỗ nung làm nên vẻ đẹp bình dị sản phẩm gốm.
Đạo diễn Ngọc Trâm cho biết: “Từ ý tưởng giới thiệu một làng nghề truyền thống của Quảng Nam, tôi đã chọn làng gốm Thanh Hà và dàn dựng để nêu bật được giá trị đặc sắc của làng nghề này, nhằm giới thiệu một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách đến với Quảng Nam…”.
Phần trình diễn của Quảng Nam còn có tiết mục trình diễn trang phục áo dài truyền thống và hát múa “Về miền di sản”, qua đó giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của Di sản văn hoá thế giới phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, những điệu hò, điệu lý, tiếng cồng chiêng, nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa Quảng Nam. Đó chính là sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại của quê hương Quảng Nam từ bao đời nay và tiếp tục trên con đương hội nhập và phát triển.
Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản” có sự hội tụ của 11 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh: Quảng Nam, Huế, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đắk Lắk, Nghệ An và Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam.
Gần 40 tiết mục dự thi của các đoàn giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương thông qua các tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống với các loại hình nghệ thuật như: trình diễn nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; trình diễn áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử...
Nội dung các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương đất nước, tình yêu con người, gương điển hình trong lao động, trong cuộc sống mới; giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn