Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành khẳng định: Núi Thành luôn xem việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh, bản sắc riêng của vùng đất. Dải núi Bàn Than, đảo Hòn Mang, Hòn Dứa là các di chỉ đá biến chất thuộc phức hệ Khâm Đức - Núi Vú. Địa chất ở đây có độ tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt nước biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Các phiến đá sẫm màu đen tuyền, hình dáng như những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa còn có các bãi biển dài trong xanh, hoang sơ và mảnh đất Thuận An với nhiều nét văn hóa độc đáo của miền biển. Khu vực Tam Hải nói chung, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa nói riêng là điểm đến với nhiều tiềm năng về du lịch của Núi Thành. Phong cảnh kỳ vĩ, đẹp đẽ do thiên nhiên tạo tác thực sự hấp dẫn cho những ai đến với danh lam thắng cảnh này. Năm 2017, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân dành nhiều sự quan tâm để bảo vệ, khai thác hiệu quả di sản. Năm 2003, xã Tam Hải phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển (MCD) vận động nhân dân tìm hiểu giá trị rạn san hô, làm sạch biển; chấp hành pháp luật trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Đồng thời thực hiện dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải; triển khai nhiều hoạt động quảng bá danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Qua một thời gian chuẩn bị nội dung, xác lập hồ sơ khoa học, hồ sơ “Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa” đã hoàn thiện và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 393/QĐ-BVHTTDL ngày 24/2/2023.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Hồng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Núi Thành. Đồng thời đề nghị huyện Núi Thành, xã Tam Hải xây dựng quy hoạch, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo mọi điều kiện để đầu tư nguồn lực vào việc khai thác bền vững danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Trong thời gian đến, dịa phương tiếp tục quảng bá, giới thiệu danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích quốc gia. Từ đó, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa trở thành di tích quốc gia sẽ là cú hích trong định hướng phát triển du lịch của huyện Núi Thành, kết nối với các địa danh, hình thành những tour tuyến du lịch, tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn tỉnh.
Hồ Thu