Học giả Phan Khôi nói về Nữ quyền

Thứ tư - 03/04/2024 21:33
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, ở các đô thị lớn của Việt Nam bắt đầu xuất hiện phong trào vận động Nữ quyền, trên một số diễn đàn, trên sách báo đã có người đề cập đến quyền của phụ nữ; các tờ báo như Đại Nam Đăng cổ Tùng báo, Trung Bắc Tân văn, Đông Dương Tạp chí, Nữ giới Chung, Phụ nữ Tân văn… đã có những bài viết về quyền của phụ nữ, trong đó đáng chú ý nhất là báo Phụ nữ Tân văn - một tờ tuần báo được phát hành trong cả nước và có số lượng độc giả khá lớn, một nhà báo lừng danh của đất Quảng – ông Phan Khôi được giao phụ trách mục Văn học của tờ báo này.
Học giả Phan Khôi nói về Nữ quyền
Về tính khí hay cãi của người Quảng Nam, ai cũng biết học giả Phan Khôi, người khởi xướng cho thơ mới trong thi ca Việt Nam là nhà văn, nhà báo, dịch giả tài ba của xứ Quảng, ngoài sự nghiệp văn chương, báo chí, cụ là người cương trực, thẳng thắn, không ngại va chạm. Trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của cụ đăng trên Giai phẩm mùa thu năm 1956 có đoạn: Cái thời kỳ “đóng cửa dạy nhau” đã qua rồi, ngày nay chính là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ, cần phải giải quyết trước mặt quần chúng nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân dân soi ẩn cho thì không thể giải quyết nổi. Vả lại, đã nhận rằng ăn của nhân dân, làm việc cho nhân dân, nhân dân là chủ, có quyền kiểm tra mọi việc, thì sao cứ giấu im ỉm ta với nhau, không cho nhân dân biết? Không chỉ là người trực ngôn, không sợ cường quyền, Phan Khôi còn là người có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ quyền phụ nữ. Trên báo Phụ nữ Tân văn, cùng với những bài viết của các tác giả nữ sĩ Đạm Phương, Đào Hoa, Chung Bá Khanh, Huỳnh Lan… cổ động việc giáo dục cho phụ nữ, đấu tranh để phụ nữ được học hành, nhà báo Phan Khôi đã có nhiều bài viết rất sâu sắc và mạnh mẽ cổ vũ cho phong trào giải phóng phụ nữ.
Quan niệm cổ hủ “nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô” ăn sâu vào đầu óc người Việt qua hàng ngàn năm, do đó không dễ gì đả phá được tư tưởng trọng nam kinh nữ. Trong số báo đầu tiên của Phụ nữ Tân văn, lấy bút danh P.N.T.V, Phan Khôi đã viết bài “Nền văn học của phụ nữ Việt Nam”, ngay đoạn mở đầu ông đã khẳng định: Theo trình độ tiến hóa của loài người ngày nay, thì về phe phụ nữ cũng phải có một nền văn học. Bởi vì trải xen cái tình thế trong các nước hiện thời, loài người đã gần đến ngày bình đẳng rồi, bên nam bên nữ cũng đều gánh vác công việc với xã hội như nhau, thì sự học vấn trí thức, có lẽ đâu chỉ để riêng cho đờn ông mà thôi hay sao? Bài viết nêu tên những bậc nữ lưu anh thư tài trí của nước ta ngày trước như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Phạm Lâm Anh, Diệu Liên công chúa…, nhưng ông chỉ ra rằng, chừng đó chưa đủ để hình thành được một nền văn học của phụ nữ: Chị em lại nên nhớ rằng văn học là cái xui giục cái mỹ cảm của con người ta, nhứt quý là nó có ảnh hưởng đến đồng bào mình, cho nên nó phải gần đủ cả các thể, chớ không phải chỉ biết ngâm một vài bài thi, viết một vài bài báo, mà đã gọi là văn học được đâu. Cho nên chúng ta phải lập cái nền ấy ở trên một miếng đất rộng rãi, tức là sự trí thức của chúng ta, nghĩa là chị em mình, phải gia công học vấn, đừng có để cho thua kém đờn ông. Muốn có một nền văn học thì phải có trí thức, muốn có trí thức thì phải ra sức học hành, đó là một lý lẽ đơn giản mà vô cùng thuyết phục. Trên các số báo từ số 5 đến số 18 (1929), Phan Khôi đã đăng liên tục nhiều kỳ bài viết “Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta”, trong đó ông trích nhiều câu thể hiện quan niệm xã hội và gia đình về phụ nữ, phụ nữ trong hôn nhân, công lao của người phụ nữ trong gia đình, những thiệt thòi mà phụ nữ phải gánh chịu, nét đẹp của phụ nữ, nghề nghiệp của phụ nữ… Bài “ Cái quan niệm chung của xã hội đối với phụ nữ” cho thấy ban đầu quyền trong gia đình thuộc về người phụ nữ: “Mẫu quyền gia đình”, nhưng về sau bị phụ quyền lấn át, vai trò người phụ nữ trong gia đình không còn được coi trọng, và theo ông: Thánh hiền càng đặt ra lễ giáo chừng nào thì đàn bà càng bị áp chế chừng ấy. Ông dẫn lời Khổng Tử, Mạnh Tử và cho rằng các vị ấy đem đàn bà kể làm một với loại tiểu nhân, cho cái phận đàn bà là phải chiều lòn, luồn cúi thì thật là khinh miệt họ quá thể. Phan Khôi đã đặt ra một câu hỏi khó trả lời: sao thánh hiền đã dạy người ta ở có hiếu với mẹ, có nghĩa với vợ, mà lại đi khinh đàn bà? Nhè những người mình khinh mà ở cho có nghĩa có hiếu thì ở làm sao được? Vạch ra sự mâu thuẫn ấy trong lời dạy thánh hiền là một lời cảnh tỉnh cho giới đàn ông trong xã hội thời bấy giờ.
Đáng chú ý là trong 2 số báo 53 và 56 Phụ nữ Tân văn (1930), Phan Khôi đã đăng bài viết “Xóa một cái án trong lịch sử
- Thân oan cho Võ Hậu”, ông cho rằng: Võ Hậu là một vị hoàng đế anh minh, một nhà chính trị đại tài, một tay vận động nữ quyền kịch liệt, chẳng có đắc tội gì với lịch sử hết… Dẫn theo nhiều việc đã ghi trong chính sử Trung Hoa, ông chứng minh Võ Hậu là người giỏi điều hành triều chính và cải cách chế độ khoa cử, biết trọng dụng hiền tài… Bài báo này của Phan Khôi không phải chủ ý thân oan cho một hoàng đế Trung Hoa mà là để bênh vực một người đàn bà tài giỏi nhưng phải chịu nhiều tiếng xấu, ông phê phán tư tưởng trọng nam kinh nữ, rằng người đời sau không ai biết rõ về Võ Hậu nhưng vẫn coi bà là biểu tượng dâm ô xấu xa, như những điều mà các triều đại sau gán cho bà. Vào thời điểm ấy bài báo của ông bị nhiều người phản ứng gay gắt, ấy thế mà ngày nay, xem bộ phim Địch Nhân Kiệt, chúng ta thấy người Trung Quốc đã đánh giá lại Võ Hậu một cách công bằng, bên cạnh những âm mưu thâm sâu trong chốn hoàng cung, bà là một hoàng đế tài giỏi, quyết đoán và biết lắng nghe ý kiến hiền tài.
Trong Phụ nữ tân văn, số 158 và số 160 năm 1932, Phan Khôi có bài viết “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sanh quan” với lập luận rất sắc bén: “Ở xứ ta ngày nay, ai đã một mực thủ cựu, không chịu nhìn nhận sự giải phóng ấy thì thôi; bằng đã nhìn nhận cho là một vấn đề cần thiết mà phải nghiên cứu, thì trước khi đó cũng phải đổi khác cái nhân sanh quan cũ, nếu không mà đòi nghiên cứu vấn đề phụ nữ thì rõ là đã làm một việc vô ích, đã làm một việc mâu thuẫn, như muốn cho xe chạy về phương bắc mà lại vặn bánh xe quay về phương nam!”… Có lẽ ở thời của Phan Khôi, cái thời mà tư tưởng Tống nho còn chi phối nặng nề xã hội Việt Nam, hiếm người có được suy nghĩ và viết ra những bài báo tiến bộ để đấu tranh cho Nữ quyền như vậy.
Đã hơn 90 năm qua, dường như những bài viết của học giả Phan Khôi về phụ nữ vẫn còn tính thời sự, trong khi nữ quyền được đề cao với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông… thì sự bất bình đẳng nam nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Cùng một trình độ và năng lực như nhau nhưng khi bổ nhiệm một vị trí quan trọng nào đó thì người ta thường chọn nam, phải chăng vì ảnh hưởng tư tưởng “trọng nam” đã bám rễ từ trong gia đình ra ngoài xã hội qua mấy ngàn năm nên khó xóa bỏ. Hãy nhìn ra thế giới đương đại xem phụ nữ đã làm được gì. Cùng với hàng ngàn nhà khoa học nữ đã có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, hàng ngàn nữ văn nghệ sĩ lừng danh thế giới, còn có các nữ chính trị gia lỗi lạc nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia như: Bà Isabel Perón- Tổng thống Argentina (1974), bà Margaret Thatcher- Thủ tướng Anh (1979-1990), bà Vigdís Finnbogadóttir - Tổng thống Iceland (1980-1996), bà Maria Corazon- Tổng thống Philippines (1986-1992), bà Chandrika Bandaranaike Kumaratunga - Tổng thống Sri Lanka (1994 - 2005), bà Mary Patricia McAleese - Tổng thống  Ireland (1997 - 2011), bà Tarja Kaarina Halonen- Tổng thống Phần Lan (2000 - 2012), bà Gloria Macaraeg Macapagal Arroyo - Tổng thống Philippine từ (2001-2010), bà Angela Dorothea Merkel - Thủ tướng Đức (2005-2021),  bà Pratibha Devisingh Patil - Tổng thống Ấn Độ (2007-2012), bà Yingluck Shinawatra - Thủ tướng Thái Lan (2011-2014), bà Cristina Elisabet Fernández de Kichner - Tổng thống Argentina (2007-2015), bà Dalia Grybauskaite - Tổng thống Lithuania đương nhiệm từ 2009, bà Park Geun-Hye- Tổng thống Hàn Quốc (2013 - 2017), bà Bidhya Devi Bhandari - Tổng thống Nepal đương nhiệm từ 2015… Việt Nam có bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch nước (1992- 2002)… Như thế xem ra tài năng của phụ nữ có thua kém chi nam giới. Vậy nên, nếu muốn thật sự có nam nữ bình quyền, thật sự vì sự tiến bộ của phụ nữ, hãy thực hiện thay đổi nhân sanh quan như cụ Phan Khôi đã viết.
                                                                                         Hồ Xuân Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 1631 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1675 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1620 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,212
  • Tháng hiện tại47,570
  • Tổng lượt truy cập958,084
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây