Trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay có 439 di tích được xếp hạng, trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt (02 di tích quốc gia đặc biệt được Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới), 63 di tích quốc gia và 371 di tích cấp tỉnh được phân bổ ở các huyện, thị xã, thành phố.
Về loại hình di tích có 329 di tích lịch sử, 21 di tích kiến trúc nghệ thuật, 13 di tích khảo cổ và 08 di tích danh lam thắng cảnh. Mỗi loại hình di tích đều có những giá trị riêng: di tích lịch sử cách mạng khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất ngoan cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật, thể hiện trình độ tay nghề, sự tài hoa sáng tạo, cũng như phản ánh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trên vùng đất Quảng Nam; di tích khảo cổ học là những căn cứ xác thực của giai đoạn tiền - sơ sử, văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa trên vùng đất Quảng Nam.... Mỗi di tích đều khắc ghi một dấu ấn hoặc một sự kiện nổi bật của tỉnh, là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quảng Nam.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời, tạo cơ chế về đầu tư tu bổ di tích, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 với tổng số di tích được hỗ trợ đầu tư tu bổ là: 15 di tích quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh và dựng bia 73 di tích cấp tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư là: 87,4 tỷ đồng.
Đến nay hầu hết các di tích trong danh mục được hỗ trợ đầu tư tại các Nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh đã được thực hiện tu bổ và phát huy giá trị (di tích quốc gia: 08 di tích đã hoàn thành, 07 di tích đang triển khai thực hiện; di tích cấp tỉnh: 61 di tích đã hoàn thành và 73 di tích đã được dựng bia). Trong số các di tích đã được xếp hạng, ngoài danh mục các di tích đã được hỗ trợ tại các Nghị quyết nêu trên (giai đoạn 2016-2021) vẫn còn nhiều di tích trên địa bàn tỉnh do đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, chịu sự tác động của thời gian, thời tiết và các nguyên nhân khác nên đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải tiếp tục được đầu tư tu bổ, tôn tạo trong thời gian đến để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Qua gần 6 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu đề ra đã đạt được, tạo tiền đề cho việc tiếp tục trình cấp thẩm quyền xem xét thông qua “Đề án đầu tư tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026", phù hợp với chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan đã đưa ra các ý kiến đóng góp về vấn đề các khoản mức thưởng hợp lý hơn cho các vận động viên tham gia thi đấu, nhanh chóng đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; cần điều chỉnh một số vấn đề trong Đề án để phù hợp hơn,…
Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VH,TT&DL tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh giai đoạn 2022 – 2026 và trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đồng chí thống nhất với các mức thưởng như đề xuất để động viên kịp thời cho vận động viên và phong trào.
Nguồn tin: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn