Ngày 10/12, Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism (Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc) diễn ra tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An (huyện Thăng Bình) mở ra động lực mới về việc tạo đột phá cho du lịch nông thôn trên toàn cầu.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng hơn 300 đại biểu trong nước, quốc tế là đại diện cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân của khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Du lịch thay đổi bộ mặt nông thôn Nông thôn Việt Nam sở hữu đa dạng di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho hay, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn. “Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” - Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ trong quá trình thay đổi diện mạo, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành “vùng quê đáng sống”. Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị. Tại Quảng Nam, du lịch nông nghiệp - nông thôn bắt đầu hình thành từ những năm 2000 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết địa phương trong tỉnh với 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê. Một số điểm đến nổi bật như Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang)… Ước tính, hơn 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Một số điểm nhấn nổi bật là điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, thu hút gần 1 triệu lượt khách mỗi năm; Làng rau Trà Quế thu hút gần 25 nghìn lượt khách vào năm 2024. Mới đây, ngày 14/11/2024 tại Colombia, Quảng Nam vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc công nhận Làng rau Trà Quế thuộc TP.Hội An là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024. Vì sự phát triển bao trùm Triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp, bao trùm và đa giá trị.
Về phía Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc, cơ quan này cũng đã triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn”, nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn. Đồng thời thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc định giá và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, các giá trị địa phương. Chương trình cũng nhằm thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và biến đổi để phát triển du lịch ở điểm đến nông thôn góp phần vào ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường - phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc nói: “Bằng cách tập trung vào du lịch nông thôn, chúng ta có thể đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn; kết nối du lịch với nông nghiệp, nâng cao vị thế phụ nữ và người trẻ; đồng thời thu hút các khoản đầu tư quan trọng giúp xã hội công bằng hơn, bền vững hơn. Du lịch cũng góp phần củng cố giá trị văn hóa cộng đồng và phục hồi sợi dây kết nối giữa con người với hệ sinh thái”.
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Lương Nguyễn Minh Triết, từ năm 2019 Quảng Nam đã đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh, hướng đến yếu tố bền vững và sau đó trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh. Hơn 5 năm qua, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực đưa ngành du lịch địa phương phát triển theo định hướng du lịch xanh. Nhờ đó, các điểm đến tại Quảng Nam đã và đang ngày càng thu hút du khách, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. “Thông qua hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều sáng kiến để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch nông thôn bền vững; đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương nhất là các nhóm dễ bị tổn thương” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam