Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thứ ba - 02/04/2024 23:00
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang là một trong những quan tâm đặc biệt của tỉnh trong chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là “nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, đặc biệt có ý nghĩa với Quảng Nam hiện nay khi một số yếu tố bản sắc văn hóa của các DTTS đang có nguy cơ bị mai một do sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay.
Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Ca Dong
Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Ca Dong
Trong những năm qua, ngành VH,TT&DL cùng với các Sở, ban, ngành liên quan và các huyện miền núi đã phát huy trách nhiệm, nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam. Công tác chỉ đạo, quán triệt về ý nghĩa, vai trò nội dung của công tác dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS được quan tâm và thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở.
Nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc được các huyện miền núi khôi phục và phát triển. Một số làng nghề dệt thổ cẩm được phục hồi và gắn với phát triển du lịch cộng đồng như ở thôn: Đh’rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), Zơra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang), Arớt (xã A Nông, huyện Tây Giang)…, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm du lịch. Chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết dân tộc Ca Dong, Bhnong, Cơ Tu. Một số huyện như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… đã triển khai việc dạy và học tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số trong cán bộ, công chức tại địa phương, hoặc sử dụng chữ viết trong một số lĩnh vực của đời sống. Các huyện Phước Sơn, Nam Trà My đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng bộ chữ viết của đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh, như: tiếng Bhnong (dân tộc Giẻ – Triêng), tiếng Ca Dong (dân tộc Xơ Đăng). Bên cạnh đó, đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa truyền thống của các DTTS được xuất bản, như: công trình “Tiếng thông dụng C’tu-Kinh và văn hóa Làng C’tu”, công trình “Văn hóa người C’tu”, Từ điển “C’tu-Việt, Việt - C’tu”...
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể cho 07 nghệ nhân tiêu biểu là người đồng bào DTTS, gồm: ông Bhling Hạnh, ông Bh’riu Pố, ông Hồ Văn Dinh, ông Hồ Văn Thập, ông Kêêr Tiíc, ông Hôih Aplăh, ông Cơ Lâu Bh’Lao. Các huyện miền núi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nhất là các loại hình văn học, nghệ thuật, lễ hội dân gian... Các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ như: hát Cheoh, hát A giới, hát xà ru; hát ru, hát đối đáp, nói lý, hát lý, hát giao duyên, múa tân tung da dá… thường xuyên được đồng bào các DTTS biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các ngày lễ tết và sự kiện chính trị địa phương. Hiện nay, có 04 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS tỉnh được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia, gồm: múa tâng tung da dá của người Cơ Tu, Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của người Cor, nói lý hát lý của người Cơ Tu.
Hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu
Hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu

Việc bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống được quan tâm và đã triển khai thực hiện bảo tồn các loại nhạc cụ; các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và thực hành tại cộng đồng; các già làng, nghệ nhân tại nhiều thôn, xã thực hành và truyền dạy. Hiện nay, hầu hết tại các thôn còn lưu giữ cồng/chiêng và duy trì câu lạc bộ/đội nghệ thuật và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ, Tết, ngày hội truyền thống. Từ tỉnh đến huyện, xã thường niên hoặc định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy các di sản văn hoá phi vật thể, tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ mừng lúa mới, Gươl mới, Lễ cúng máng nước, Lễ hội cồng chiêng... Công tác xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đến với cả nước và bạn bè quốc tế, Ngành VH,TT&DL đã tổ chức thành công Hội thi thể thao các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ II năm 2022; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023. Các sự kiện này thu hút diễn viên và vận động viên người DTTS của các huyện miền núi tham gia. Ngoài ra, Ngành còn tích cực tham gia và đạt kết quả cao các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS ở khu vực miền Trung và toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, như: Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022 tại Kon Tum; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại Điện Biên, năm 2022; Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định, năm 2023; Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 tại Hà Nội.
Dự án số 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Sở VH,TT&DL đã triển khai tổ chức 03 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các DTTS khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ Đinh tút của dân tộc Giẻ - Triêng (nhóm Tà Riềng) trên địa bàn huyện Nam Giang; tổ chức phục dựng, tái hiện 01 Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng (nhóm Ve) tại huyện Nam Giang. Thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam… Triển khai hỗ trợ mua mới tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện trong phạm vi Dự án số 6. Đồng thời, triển khai thực hiện Tiểu dự án số 3 - Dự án số 10: Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Dự án số 6 năm 2022 và năm 2023 tại các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức… Cùng với sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS đã có nhiều sự thay đổi và phát triển. Cơ sở hạ tầng được từng bước nâng cấp và xây dựng, các vấn đề an sinh xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện; nhiều hủ tục mê tín dị đoan đã dần được loại bỏ.
Văn hóa đồng bào các DTTS ở Quảng Nam là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa xứ Quảng, là tài sản quý giá của tỉnh nhà góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với vai trò quan trọng đó, trong thời gian từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, cần chú trọng nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, đồng bào DTTS về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của thế giới. Tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác hoạch định và xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân DTTS và miền núi.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Quảng Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS thành chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, chú trọng vào Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung chỉ đạo, triển khai đạt hiệu quả Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 8384/KH-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 1196/QĐ-UBND gắn với Chương trình Mục tiêu quóc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bám sát từng chỉ tiêu lồng ghép các nguồn lực tạo điều kiện phát triển đồng bộ từ công tác bảo tồn, xây dựng, phát huy góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đồng thời phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực cho đồng bào DTTS. Tham mưu ban hành những chính sách mới để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, những di sản văn hoá đang có nguy cơ mai một như: hỗ trợ bảo tồn Nhà làng truyền thống, chữ viết, trang phục, lễ hội, nhạc cụ... Đồng thời, tập trung nghiên cứu và triển khai áp dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ vào các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng của các DTTS trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát huy. Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí và các chủ trương, chính sách thiết thực, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS Quảng Nam tiếp tục được bảo tồn, phát huy nhằm góp phần vào sự phát triển chung của các huyện miền núi nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
                                                                                     TS. Nguyễn Thanh Hồng

                                                                      Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở VH,TT&DL
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 2609 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2559 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 2714 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay976
  • Tháng hiện tại29,364
  • Tổng lượt truy cập1,231,614
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây