Bàn về Đô thị di sản kiến trúc xanh…

Chủ nhật - 28/11/2021 20:20
Về công cuộc bảo tồn di sản

Di sản Đô thị cổ Hội An luôn phải được bảo tồn trong phát triển nhất là trong bối cảnh cơn lốc “đô thị hóa” và sự phát triển du lịch đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu đô thị cho rằng “Hội An là di sản đô thị đầu tiên ở Việt Nam được gọi đúng tên, được nghiên cứu từ nhiều phương diện, bởi nhiều lực lượng chuyên môn khác nhau…” (Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) kể từ năm 1982,  khi tiểu ban Ba Lan - Việt Nam do kiến trúc sư Kazik (Kwiatkowski) cùng các chuyên gia của Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích Trung ương khởi sự quan tâm nghiên cứu. Cũng từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, kiến trúc sư Ba Lan K.Kwiakowski nói rằng “Hội An sẽ giàu lên từ di sản của mình nếu như được trả lại các giá trị lịch sử bên cạnh cuộc sống hiện đại”. Tiên đoán ấy đã thành sự thật sau gần 35 năm qua với một quan điểm ứng xử cơ bản như lời Kazik nói. Trong “Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích khu phố cổ Hội An” được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 (QĐ số 240/QĐ-Ttg ngày 14/4/1997) cũng như trong quá trình bảo tồn di sản Hội An - nhân dân, ngành Văn hóa đã tuân thủ những định hướng cơ bản như: bảo tồn địa bàn tự nhiên - sinh thái, lịch sử - nhân văn của Hội An; bảo tồn các di tích, di chỉ, trùng tu các kiến trúc cổ đơn lẻ trên địa bàn lịch sử; giữ nguyên vẹn khu phố cổ như là một di tích phố thị với các loại hình di tích đa dạng, đa loại thể, duy trì đặc trưng hình thái học kiến trúc, diện mạo kiến trúc; gắn liền công tác bảo tồn và lợi ích người dân, bảo tồn lối sống, tập tục, các ngành nghề truyền thống, các lễ tục, lễ hội, các diễn xướng nghệ thuật dân gian và coi di sản như tài nguyên đặc trưng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
“Cảnh quan lịch sử”là một khái niệm gắn với đô thị di sản như Hội An. Cảnh quan mang tính lịch sử luôn bảo tồn nhiều yếu tố lịch sử gần với nguyên trạng của di sản tức cảnh quan kiến trúc ban đầu của các di tích văn hóa - lịch sử. Hội An chứa đựng trong lòng đô thị di sản cả hàng nghìn di tích kiến trúc đơn lẻ với nhiều loại hình di tích khác nhau và như vậy có hàng nghìn cảnh quan kiến trúc cho mỗi một di tích khác nhau trong cảnh quan chung làm nên bức tranh tổng thể về cảnh quan lịch sử của một di sản đô thị - một cảng thị thời trung đại tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Trong nhiều năm qua, về tổng thể, khu vực khu phố cổ cơ bản vẫn giữ được không gian lịch sử của một đô thị di sản với diện mạo kiến trúc đặc trưng, công tác trùng tu cơ bản vẫn không làm “biến đổi” diện mạo kiến trúc cổ, nhất là cảnh quan di sản gắn với kiến trúc trong một bối cảnh “đô thị hóa” đang diễn ra mạnh mẽ bên ngoài và chủ trương để người dân sinh sống phát triển kinh tế trong lòng di sản.Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ do UBND TP. Hội An ban hành năm 2006 được kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhìn nhận là “không chủ trương biến khu phố cổ thành bảo tàng, văn bản này đã tính tới và mở đường cho sự song tồn hai nhân tố cơ bản: di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư, tiếp tục phát triển của đô thị.Nó khả thi bởi sự chấp nhận phần “mềm” và phần “cứng” trong bảo tồn.Chính tính khả thi quyết định năng lực và hiệu quả quản lý(1).
Theo những quy định mới về thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An trong giai đoạn mới, ngày 18/12/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ban hành “Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An” gồm 10 Chương, 37 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Quy chế vừa ban hành là sự tích hợp nội dung các quy chế do UBND Tp. Hội An ban hành trước đây(2). Công cuộc bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử của Khu phố cổ luôn đồng thời với việc phát huy các giá trị vô giá ấy trong cuộc sống gắn với đặc thù Khu phố cổ là “bảo tàng sống”, vấn đề giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống bảo đảm sự hài hòa, tương thích giữa di sản và phát triển - nói như giới chuyên môn - “duy trì sự hài hòa về hình thái học giữa cấu trúc đô thị: xưa - cũ - mới, sự chuyển tiếp mềm từ phần đô thị sang phần nông thôn, từ các khu vực xây dựng sang thiên nhiên(3). Khu vực dành cho “phát triển”, chuyển tiếp từ khu vực “bảo tồn nghiêm ngặt” chính là “vùng đệm” giữa Khu phố cổ và khu vực bên ngoài.

Không gian cảnh quan của sự chuyển hóa mềm các kiến trúc

Dưới góc độ phát triển - khu vực vùng đệm của Khu phố cổ là khu vực IIA và IIB đã được chỉ rõ trong hồ sơ của văn bản “Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”(4). Trong Kế hoạch quản lý này cũng đề xuất “mở rộng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Hội An ra các vùng phụ cận, bao gồm cả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, khu ven biển, ven sông; các làng nghề truyền thống. Khu vực này không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc bảo tồn khu vực này không chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp chung cho khu di sản mà còn mở ra nhiều hình thức du lịch, kinh doanh mới, đặc biệt là du lịch sinh thái, góp phần quảng bá hình ảnh Hội An và đem lại nguồn lợi cho địa phương(5). Như vậy, vùng đệm (khu vực IIA, IIB) và khu vực nông thôn, sông, biển... các xã, phường ngoại thị là khu vực mà các kiến trúc nhà ở, khách sạn, homestay, resort... đòi hỏi có sự “chuyển hóa mềm” giữa kiến trúc cổ và kiến trúc mới. Trong nhiều năm qua, chính quyền Hội An đã ban hành nhiều Quy chế bảo vệ và sử dụng Khu phố cổ (Quy chế 1987, 2000, 2006...) trong đó có việc khống chế độ cao, quy mô, vật liệu, kiểu thức các kiến trúc mới được xây dựng ở “vùng đệm” và bên ngoài “vùng đệm”. Về cảnh quan kiến trúc - bước đầu, cảnh quan vùng này được nhìn nhận “phát triển có kế thừa, phát triển không xung đột mà kết hợp khắng khít trong dòng chảy tự nhiên, không gián đoạn…”(kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính).
 
Không gian xanh xanh
Không gian xanh. Ảnh: P.T.Đ.
Cần thêm nhiều kiến trúc xanh...

Thực tế đã có nhiều công trình kiến trúc cao tầng, nhiều kiến trúc có kiểu thức kiến trúc “xung đột” với kiến trúc cổ... xây dựng tại vùng đệm và vùng nông thôn ở Hội An đã gây “bức xúc” về cảnh quan đô thị di sản, vì vậy việc lựa chọn các kiến trúc xanh có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất để hướng đến một đô thị di sản - đô thị văn hóa, sinh thái. Kiến trúc xanh được hiểu là “xu hướng thiết kế, thi công các công trình xây dựng giảm thiểu tối đa tác động đến tự nhiên, hướng tới lối sống gần gũi với thiên nhiên”, một công trình xanh (green building) là “kết hợp giữa kiến trúc và việc áp dụng quá trình mang tính chất thân thiện với môi trường, tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ chu kỳ hình thành của một toà nhà từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá hủy”(wikipedia). Kiến trúc xanh (Green Architecture) còn gọi là kiến trúc bền vững (sustainable building) là tạo lập những công trình không những thân thiện với môi trường mà còn có tính hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình. Nhiều tòa nhà, biệt thự đưa thiên nhiên cây cỏ vào mái nhà, tường nhà, ban công, cửa, sân vườn, nội thất...mới chỉ kiến tạo yếu tố xanh, chưa có thể được nhìn nhận là kiến trúc xanh bởi các nhà chuyên môn còn đánh giá đến lợi ích của công trình đối với môi trường, việc sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác, thiết kế kiến trúc có làm đa dạng hơn hệ sinh thái và nguồn tài nguyên sinh học trong tự nhiên, các yếu tố xanh có cải thiện chất lượng không khí, lượng phát sinh chất thải rắn và sử dụng tài nguyên có mức độ hay không, có bảo vệ sức khỏe con người và tăng sức sản xuất của nhân lực hay không. Kiến trúc xanh còn tính đến tiêu chí lợi ích kinh tế do sử dụng ít năng lượng, chi phí bảo trì thấp, lượng khí thải nhà kính giảm thiểu tối đa. Bộ tiêu chí kiến trúc xanh tập trung vào địa điểm xây dựng bền vững (địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hòa nhập với cảnh quan tự nhiên, phục hồi nâng cấp môi trường cảnh quan), sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và chất lượng môi trường trong nhà.
Xu hướng phát triển kiến trúc xanh đang là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu phát triển, trong đó có áp lực kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch, nhu cầu sử dụng năng lượng và xả thải ra môi trường, áp lực của biến đổi khí hậu... Các công trình xanh trên thế giới luôn thiết kế ưu tiên đưa các yếu tố xanh vào công trình hoặc sử dụng các biện pháp tái tạo năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện như: toà nhà Sky Green Tower ở Đài Loan, Trường nghệ thuật SOTA tại Singapore, toà nhà The Crytal ở Anh,tòa nhà Fukuoka Foundation Building ở Nhật, Khu phức hợp Kampung Admiralty. Ở nước ta có các thiết kế của các kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào... Một số công trình tiêu biểu cho kiến trúc xanh như tòa nhà Naman Retreat Babylon tại Đà Nẵng, Nhà trẻ xanh Farming Kindergarten ở Đồng Nai, Nhà sinh hoạt cộng đồng ở Cẩm Thanh Hội An, Nhà hàng Bamboo Wing ở Đại Lãi Resort, Học viện Viettel, Khách sạn Atlas Hội An... Năm 2021, ngôi nhà do Lequang - architects xây dựng tại Cẩm Thanh - Hội An vinh dự là một trong ba thiết kế đạt giải Architecture Master Prize (AMP) - giải thưởng kiến trúc quốc tế Masterprize lần 6 (2021) cho hạng mục kiến trúc xanh.
(1) Hoàng Đạo Kính - Kỷ yếu Hội thảo “Di sản văn hóa Hội An - 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững” - UBND TP. Hội An, Trung tâm QLBTDS,03/12/2019.
(2)UBND TP. Hội An - Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An - NXB Đà Nẵng 2020.
(3) Hoàng Đạo Kính - Văn hóa kiến trúc - NXB Tri thức, Hà Nội 2012, tr.349.
(4) UBND tỉnh Quảng Nam - Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến 2030 - Quảng Nam, 2020.
(5) UBND tỉnh Quảng Nam - Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An...-sđd, tr.119.
 
 

Tác giả: Phùng Tấn Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 630 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 638 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 656 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay819
  • Tháng hiện tại12,679
  • Tổng lượt truy cập515,886
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây