Kế hoạch số 3916/KH-UBND ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh về Phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021; ngày 01/9/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1151/SVHTTDL-NSVHGĐ về việc phát động xây dựng tủ sách gia đình nhằm tạo cho các thành viên trong gia đình có thói quen đọc sách, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh. Đồng thời, nhân rộng mô hình tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách cộng đồng, tủ sách pháp luật, thư viện cộng đồng ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của Nhân dân.
Đọc sách và hình thành thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, việc phát triển văn hóa đọc được nhiều gia đình quan tâm, chú trọng. Khoảng thời gian dài ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các gia đình củng cố và đẩy mạnh nếp sống văn hóa lành mạnh này. Đọc sách là cách gián tiếp để mỗi người tiếp cận các nguồn tri thức của nhân loại. Đây là cách thức mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, củng cố tư duy trên nhiều lĩnh vực cũng như góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển “văn hóa đọc” ở mỗi gia đình có vai trò tạo nền tảng quan trọng góp phần hình thành nên tư duy mỗi cá nhân cũng như là một nét đẹp riêng ở từng gia đình.
Với tư cách là hạt nhân của xã hội, gia đình là nơi bắt đầu của các mối quan hệ nhân tính đầu tiên của mỗi người hay nói cách khác đó là điểm bắt đầu, nơi nuôi dưỡng những “mầm mống” về các giá trị đạo đức của từng cá nhân, của từng cộng đồng xã hội. Những chuẩn mực đạo đức được truyền thụ tốt ở từng gia đình dần dần kết nối, lan tỏa, nhân rộng tạo nên xã hội đạo đức. Gia đình là nơi lưu giữ những quan hệ nhân bản sâu sắc nhất. Đặc biệt, đó là đơn vị tạo nền tảng, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức của cộng đồng. Nếu cá nhân được sinh ra lớn lên ở một gia đình nề nếp, có những giá trị đạo đức của xã hội được các thế hệ trong gia đình giáo dục kỹ lưỡng, nghiêm túc là môi trường thuận lợi tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách. Vì thế, việc hình thành “văn hóa đọc” ở mỗi gia đình sẽ tạo nên nền tảng cho việc hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập suốt đời của mỗi người.
Văn hóa đọc của mỗi người được thể hiện ở ba khía cạnh chính: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc. Đọc sách là một thói quen tốt, bổ ích được hình thành nhờ sự rèn luyện. Thói quen đó thể hiện qua việc hàng ngày chúng ta chủ động tìm đọc, nghiên cứu những quyển sách ở lĩnh vực phù hợp. Ban đầu có thể chỉ là đọc vài trang về sau tăng dần lên tùy vào thời gian, nhu cầu của mỗi người thì lâu dần tạo thành “nếp” và thành một sở thích. Khi thói quen đọc sách, nghiên cứu tài liệu đã được xây dựng, rèn luyện lúc đó mỗi cá nhân tự lựa chọn, định hướng những quyển sách thuộc các lĩnh vực, những chuyên ngành phù hợp nhu cầu học tập, nhu cầu công việc cần thiết cho mình. Thích đọc sách, đam mê với sách sẽ đem lại nhiều lợi ích về kiến thức cho đến cách đối nhân xử thế. Tuy nhiên, đọc sách như thế nào cho hiệu quả thì còn phải phụ thuộc vào cách đọc của từng người tức là phương pháp, kỹ năng đọc sách. Kỹ năng đọc là kết quả của quá trình tìm kiếm, tra cứu lựa chọn sách, thao tác đọc,... từ đó tiếp thu kiến thức cần thiết cho nhu cầu của mình, vận dụng kiến thức đó một cách hiệu quả. Ba yếu tố “Thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc” có tính thống nhất với nhau hợp thành văn hóa đọc ở mỗi người.
Trước đây khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì sách, báo là nguồn giải trí, nguồn thông tin duy nhất. Mặc dù lúc ấy số lượng các đầu sách, các thể loại báo chí chưa nhiều nhưng đó là của niềm vui, sự hào hứng với những người yêu sách. Với những gia đình có niềm đam mê nghiên cứu thì bao giờ trong nhà ở thường có một góc nhỏ để đặt giá sách. Trong đó có nhiều thể loại sách báo được sắp xếp theo từng độ tuổi của thành viên trong gia đình. Nếu văn hóa đọc in sâu vào nếp sống tinh thần từng gia đình thì ai cũng có tâm lý háo hức, chờ đợi đến ngày có những ấn phẩm sách mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, nhiều thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật như hiện nay đã khiến nhiều người ít đầu tư thời gian cho việc đọc sách. Quỹ thời gian trong gia đình bị chia sẻ cho công việc cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe - nhìn dẫn đến sự thay đổi thói quen đọc sách cũng dần bị mai một. Mặt khác, việc tìm kiếm cách thông tin trở nên nhanh chóng, thuận tiện nhờ các thiết bị công nghệ hỗ trợ nên độc giả cũng không thật sự “mặn mà” với văn hóa đọc. Vì vậy, văn hóa đọc trong gia đình đang ngày càng yếu và thiếu.
Hiện nay, không gian mạng với chức năng giải trí dần thay thế thời gian đọc sách. Giới trẻ hiện nay hướng đến tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi, giải trí lên đầu dần dần sự hứng thú đọc sách chỉ còn ở những người làm công tác nghiên cứu, những người ở độ tuổi trung niên. Để phát triển văn hóa đọc trong từng gia đình ở giai đoạn hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động tạo nên phong trào đọc sách trong gia đình. Tiếp tục phát huy tốt những kênh tuyên truyền đã có về vai trò của việc đọc sách từ lâu và bổ sung, sử dụng thêm những kênh tuyên truyền mới có hiệu quả, từ đó khích lệ, động viên đông đảo người đọc tự nghiên cứu, tìm tài liệu. Đặc biệt là hằng năm cần có kế hoạch phát động các lễ hội sách, các buổi trưng bày sách nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách.
Thứ hai là cần đa dạng nguồn tài liệu ở các thư viện để đáp ứng được tối đa nhu cầu tìm hiểu của người đọc. Thường xuyên bổ sung, cập nhật thêm những sách mới bên cạnh số lượng đã có từ trước. Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất thư viện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc tìm kiếm, tra cứu của bạn đọc. Xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện có kiến thức, kỹ năng trong quản lý tài liệu cũng như giới thiệu tài liệu đến người học.
Thứ ba là phát huy và nuôi dưỡng văn hoá đọc ở mỗi người từ trong gia đình. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình để lập nên tủ sách gia đình với không gian thoáng đãng, thuận tiện cho việc đọc sách. Các thành viên trong gia đình là người hướng dẫn, tập cho trẻ đọc sách từ nhỏ, qua đó từng bước hình thành văn hóa đọc một cách tự nhiên bền chặt nhất. Cần hướng dẫn để mỗi thành viên trong gia đình tự hình thành phương pháp đọc và nhớ nội dung cũng như việc chọn sách, cách đọc, ghi chép sách.
Thứ tư là đưa nội dung xây dựng tủ sách -văn hóa đọc trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa. Cần có những chính sách kịp thời nhằm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần giúp gia đình thực hiện tốt hơn chức năng giáo dục thông qua việc xây dựng tủ sách, xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc. Điều kiện kinh tế đảm bảo sẽ giúp gia đình có thêm thời gian, điều kiện để quan tâm văn hóa đọc.
Qua nhiều năm đổi mới và phát triển, hiện nay mức sống người dân Quảng Nam không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, không gian cho giáo dục, cụ thể là văn hóa đọc – một tủ sách, một góc đọc sách riêng – lại không có nhiều gia đình đầu tư xây dựng. Đó là lý do mà các ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phải đánh động để tạo sự lưu ý quan tâm của toàn xã hội trong việc hình thành tủ sách gia đình, trong đó văn hóa đọc gia đình là linh hồn, là nền tảng. Tủ sách gia đình sẽ là giải pháp căn cơ để nâng cao văn hóa đọc cho mỗi người. Khi thói quen đọc sách hình thành, người dân sẽ tự giác và phong trào đọc sách sẽ đi vào chiều sâu. Ai cũng biết lợi ích của đọc sách. Nếu tập thể dục thể thao mang lại sức khỏe cho cơ thể thì đọc sách là bồi dưỡng nhân cách và nâng cao đời sống tinh thần. Vậy nên xây dựng tủ sách gia đình là vô cùng cần thiết. Ngoài tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng thì mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu để hình thành tủ sách riêng, tăng cường văn hóa đọc, đầu tư, đổi mới, nâng chất và phát huy hiệu quả ở một tầm cao mới. Và trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng cũng không thể làm đứt mạch văn hóa đọc đã dần thành nếp trong cộng đồng. Nhiều gia đình đã biến những ngày ở nhà để thực hiện cách ly xã hội thành dịp để gắn kết các thành viên, bồi đắp tri thức thông qua hoạt động cùng nhau đọc sách. Từ đây, văn hóa đọc trong gia đình được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần phát triển bền vững văn hóa đọc trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Nam.