Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Với suy nghĩ về diễn đàn văn hóa này, chúng tôi xin mạn phép có đôi điều về những định hướng văn hóa Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam ở giữa miền Trung Việt Nam, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam - với ý nghĩa là vùng đất mở về phương Nam - được khai sinh vào năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông, với danh xưng “Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam”. Tiếp nối lịch sử, Quảng Nam được biết đến là “đất văn hóa”, “khoa bảng”, “ địa linh nhân kiệt”. Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, Quảng Nam là mảnh đất “trung dũng kiên cường”, người dân hiền hòa, hiếu học, giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng đã sinh dưỡng những danh nhân kiệt xuất, những Mẹ Việt Nam Anh hùng. Quảng Nam có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình đa dạng vừa có miền núi; trung du; đồng bằng ven biển, hải đảo và đô thị, có các tộc người thiểu số bản địa cư trú lâu đời ở vùng miền núi phía Tây. Quá trình cộng cư này giữa các dân tộc anh em đã tạo cho Quảng Nam một kho tàng văn hóa đặc sắc.
Quảng Nam là vùng đất hội tụ và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau, là nơi giao thoa, tiếp biến văn hóa Sa Huỳnh – Chăm – Việt và văn hóa phương Tây, mảnh đất có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nơi đã sản sinh ra nhiều thế hệ danh nhân. “Kho tàng” văn hóa Quảng Nam là những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu và độc đáo, nổi bật nhất là 2 Di sản văn hóa thế giới: Khu phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ngoài ra còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, hệ thống tháp Chăm, Kinh đô cổ Trà Kiệu... Bên cạnh đó, Quảng Nam có nhiều Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 120 lễ hội dân gian và nhiều Di sản phi vật thể khác có giá trị, như: về âm nhạc có Tuồng, hô Bài chòi, hát Bả trạo; nghệ thuật ẩm thực; những tri thức dân gian; làng nghề truyền thống... Miền núi Quảng Nam, địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số Cơ Tu, Cor, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng. Nét đặc trưng trong văn hóa tộc người như Gươl của đồng bào Cơ Tu, nghệ thuật điêu khắc gỗ, không gian văn hóa cồng chiêng, nói lý, hát lý, nghề thủ công truyền thống… cho đến các nghi lễ, tập quán, nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào. Những giá trị văn hoá đặc sắc ấy đã tạo ra một bức tranh sinh động, đa sắc văn hóa đang hiện hữu trong đời sống của các vùng miền làm cho văn hóa Quảng Nam thêm phong phú và đa dạng.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975) và kể từ ngày tỉnh Quảng Nam tái tập (1997) đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương trong tỉnh đã được bảo tồn và phát huy. Sự phát huy ấy không những khẳng định những giá trị đặc sắc của văn hóa Quảng Nam, mà còn cho thấy những giá trị ấy được cộng đồng coi trọng và gìn giữ. Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa xã hội, mà còn là nhân tố tích cực, tạo ra những chuẩn mực về đạo đức, thẩm mỹ; góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng môi trường văn hóa ở địa phương.
Để góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngành văn hóa Quảng Nam đã có rất nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thành tựu đáng ghi nhận trong gần 25 năm qua là đã sưu tầm, nghiên cứu được trên 300 di sản văn hóa phi vật thể: 120 lễ hội dân gian và nhiều di sản khác có giá trị; 26.542 hiện vật các loại: 10.897 hiện vật khảo cổ học, 937 hiện vật cách mạng, 13.061 hiện vật gốm sứ, 1.219 hiện vật dân tộc học, 48 hiện vật về biển đảo, 233 hiện vật văn hóa Chămpa và 147 hiện vật về ngành nghề thủ công truyền thống. Đã lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận 2 Di sản văn hóa thế giới, Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt; 2 bảo vật quốc gia; 64 di tích cấp quốc gia, 360 di tích cấp tỉnh đã tôn vinh các giá trị văn hóa và phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, công tác tu bổ di tích cũng đạt kết quả quan trọng; đến nay có trên 60 di tích quốc gia; 350 di tích cấp tỉnh được tu bổ. Ngoài ra Khu phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An cũng đã huy động được sự tài trợ tu bổ của nhiều tổ chức quốc tế, chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, các Di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm gìn giữ. Đến nay, đã trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều lễ hội dân gian truyền thống được phục dựng và tổ chức có hiệu quả như Lễ hội Bà Chiêm Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ hội Cầu ngư miền biển, Lễ hội Chùa Phúc Kiến Hội An... và các lễ hội của các dân tộc thiểu số miền núi cũng như các đề tài văn hóa phi vật thể đã được thực hiện; đặc biệt Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản, Festival Di sản Quảng Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục lễ hội cấp Quốc gia và tỉnh đã tổ chức được 05 kỳ lễ hội từ năm 2003 đến 2016 đã góp phần giới thiệu, tôn vinh các giá trị Di sản văn hóa xứ Quảng, quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Nam.
Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức như: 100 năm nghiên cứu Mỹ Sơn; Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng; 550 năm Danh xưng Quảng Nam; Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam; Phan Châu Trinh - Chí sĩ yêu nước, nhà canh tân đầu thế kỷ XX; 100 năm Duy tân hội và thân thế sự nghiệp Tiểu La - Nguyễn Thành; 100 năm trường tân học Phú Lâm và nhà thực hành duy tân xuất sắc Lê Cơ; 100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ; 100 năm phong trào chống thuế; Những đóng góp trong văn hóa dân tộc của học giả Phan Khôi; Danh nhân văn hóa Hà Đình - Nguyễn Thuật; 100 năm Khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội; Bảo tồn, phát huy giá trị căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà; Bảo tồn, phát huy di tích Phật viện Đồng Dương; Hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam, các đề tài khoa học: Văn học dân gian miền biển, Văn học dân gian miền núi Quảng Nam, Nghệ thuật Tuồng Quảng Nam, Phong tục tập quán, lễ hội, Âm nhạc trong đời sống của đồng bào dân tộc Cơtu, Xê Đăng, Giẻ-Triêng, Cor; Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số; Di sản Hán Nôm ở Quảng Nam...
Phát huy những kết quả trên, ngành văn hóa Quảng Nam cũng nhận thấy khi văn hóa Quảng Nam nói riêng và đất nước nói chung tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đời sống xã hội sẽ có những biến đổi cơ bản và nhanh chóng. Điều đó đem đến những cơ hội cũng như thách thức mới. Các tinh hoa di sản văn hóa ở Quảng Nam, hoặc được giữ gìn và phát huy với ý nghĩa là giá trị của truyền thống, hoặc là phải biến đổi để thích ứng với xã hội đương đại. Cũng không loại trừ một số trường hợp di sản có nguy cơ mai một. Vì thế, Quảng Nam cần có nhiều việc để tiếp tục thực hiện theo định hướng phát triển, chúng tôi suy nghĩ như sau:
Cần tăng cường phát huy giá trị, sức mạnh nội sinh của văn hoá Quảng Nam, thực hiện bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, nêu cao ý thức sưu tầm, lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương trong đời sống xã hội. Làm cho tình yêu quê hương, đất nước quyện chặt làm một, trở thành máu thịt, trở thành văn hoá nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, vùng đất Quảng Nam, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa của xứ Quảng nhằm nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, giàu chất nhân văn, phản ánh chân thật, sâu sắc về đời sống, lịch sử văn hóa Quảng Nam.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Ngoài ra, các giá trị văn hoá truyền thống về lịch sử, mảnh đất, con người và văn hóa Quảng Nam cần được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh, các thế hệ thanh thiếu niên trong toàn tỉnh, góp phần xây dựng một cộng đồng hiện tại và tương lai biết trân trọng, tự hào và hết lòng bảo vệ những giá trị di sản cha ông; tạo điều kiện tối đa để các trường học, thanh niên tổ chức tham quan các di tích, danh thắng, tìm hiểu về danh nhân, về di sản văn hóa ở địa phương. Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật về mảnh đất và con người Quảng Nam; đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Tranh thủ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu về văn hóa, sự hỗ trợ của quốc tế; thực hiện có hiệu quả xã hội hóa nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, tu bổ tôn tạo các di tích.
Công tác điều tra, sưu tầm, lưu giữ các giá trị di sản văn hóa cần xác định là việc làm trọng tâm và thường xuyên. Đi đôi với công tác sưu tầm nhất thiết phải làm một cuộc điều tra cơ bản để lưu trữ hồ sơ cácdi sản, xác định giá trị, sức sống của di sản văn hóa và đề xuất khả năng bảo vệ. Bảo tồn văn hóa Quảng Nam là kế thừa văn hóa truyền thống, bảo vệ con người, cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân nghệ nhân, nghệ sĩ - là chủ thể văn hóa, là “báu vật nhân văn sống”. Tôn vinh và tạo môi trường thuận lợi cho nghệ nhân sáng tạo, truyền dạy thế hệ trẻ các di sản văn hóa; khuyến khích nghệ nhân phát huy tài năng đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó cần quan tâm thực hiện những đề tài, dự án nghiên cứu văn hóa ở các vùng miền núi, đồng bằng; văn hóa làng, văn hóa biển, văn hóa sinh thái, văn hóa địa chất, không gian văn hóa vùng Đông Quảng Nam..., làm tiền đề cho chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh. Chú trọng việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống của Quảng Nam có nguy cơ bị mai một; tích cực vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.
Thực hiện những định hướng phát triển nêu trên, không những tạo điều kiện để tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam mà còn góp phần cùng cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”