Ngày 21/4/2022, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2025. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Trùng tu di tích nhà cổ ở Hội An
Tỉnh Quảng Nam hiện có trên 441 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt vừa là Di sản văn hóa thế giới; Di tích khảo cổ học Phật viện Đồng Dương; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam, với 03 di tích thành phần), 63 di tích cấp quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm di tích được đưa vào Danh mục bảo vệ theo Quyết định 3508/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh ban hành danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024. Để quản lý, bảo tồn và phát huy có hiệu quả hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2020 và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP. Hội An và du lịch giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…Trong đó phải kể đến các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Quyết định 3905/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020; theo đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã triển khai tu bổ và dựng bia đối với trên 100 di tích cấp tỉnh. Tiếp đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 và Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 về hỗ trợ tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, đã bố trí trên 87,4 tỷ đồng và cùng các nguồn khác (vốn đối ứng của các địa phương, kinh phí hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, của TP. Đà Nẵng và nguồn xã hội hóa) khoảng trên 46 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo đối với 15 di tích quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh và dựng bia đối với 73 di tích khác. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, bảo vệ nguyên vẹn hệ thống di tích hiện có và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ, gìn giữ di tích. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy được giá trị, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống quê hương, yêu nước cho học sinh, thanh thiếu niên và là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và nơi cố kết cộng đồng của dòng tộc, làng xã... Tuy nhiên, do các di tích thường có lịch sử lên đến hàng trăm năm, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh nên ngày càng xuống cấp, nhất là đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc thuộc loại hình nhà cổ như: tháp, đình, miếu, dinh, nhà thờ tộc, nhà ở. Các di tích này thường có kết cấu chủ yếu bằng gỗ; hoặc các mảng tường được xây bằng gạch với chất kết dính truyền thống nên hầu hết các bộ phận như cột, kèo, xuyên, trính… của di tích đều bị mối mọt xâm hại, kết cấu bị xô lệch, khả năng liên kết yếu, tình trạng phổ biến là sụt móng, nứt tường, mái thấm dột, đe dọa sự bền vững của di tích. Bên cạnh đó, nhiều di tích liên quan đến địa điểm diễn ra các sự kiện mặc dù đã được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng tượng đài/phù điêu, nhà bia hoặc khuôn viên, nhưng vẫn còn một số di tích chưa được đầu tư, dựng bia. Tại các di tích khảo cổ học, sau khi hoàn tất việc khai quật và đưa những hiện vật về nơi bảo quản chỉ còn lại tại hiện trường là hố khai quật, qua thời gian cỏ dại phát triển, làm ảnh hưởng cảnh quan và địa tầng tại khu vực khảo cổ cũng như gây khó khăn cho công tác khảo sát, nghiên cứu. Các di tích này cần được dựng bia để đánh dấu nơi đã phát hiện các di chỉ văn hóa của các thời kỳ lịch sử nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ gần 91 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tập trung tu bổ, tôn tạo, dựng bia đối với 38 di tích, trong đó bao gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích khảo cổ học Phật viện Đồng Dương tại huyện Thăng Bình và Di tích Đèo Bù Lạch - di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tại huyện Tây Giang), 8 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh; dựng bia đối với 39 di tích cấp tỉnh. Mục tiêu nhằm đưa các di tích đang bị xuống cấp về trạng thái an toàn, trên cơ sở đảm bảo yếu tố gốc và tính chân xác trong công tác bảo tồn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam và thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Các di tích lịch sử - văn hóa là tài sản của thế hệ trước lưu truyền lại cho thế hệ sau. Để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao nhận thức gắn kết việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, đời sống văn hóa cộng đồng. Trong những năm qua, việc tu bổ, tôn tạo ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có hiệu quả nhất định nhằm khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội giúp phát huy giá trị vốn có của các di tích, góp phần giáo dục truyền thống. Bên cạnh đó, việc đưa các di tích đã được tu bổ, tôn tạo vào hệ thống điểm, tuyến, khu du lịch góp phần phát huy các giá trị của di tích tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam