Làng Tỉnh Thủy được các bậc tiền nhân từ phương Bắc vào khai cơ lập nghiệp từ hồi giữa thế kỷ XV. Trải qua hơn 5 thế kỷ các thế hệ con em đã đoàn kết xây dựng quê hương từ một bãi cát hoang vu trở thành ruộng vườn, cây trái xanh tươi và phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm ăn sung túc cho đến ngày nay. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Tỉnh Thủy là hậu phương vững chắc ở vùng biển. Tuy bị địch đánh phá ác liệt nhưng địa phương đã xây dựng được phong trào mẹ chiến sĩ, bạch đầu quân, dân quân, du kích, thiếu niên, nhi đồng cứu quốc…tích cực nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Mặc dù chỉ bằng vũ khí thô sơ, mã tấu, dao găm, hầm chông… nhưng với tinh thần kiên trung, bất khuất của quân và dân đã làm cho địch phải bạt vía kinh hồn. Sau hiệp định Giơnevơ (1954), một số cán bộ, đảng viên tập kết ra miền Bắc, những người được tổ chức phân công ở lại địa phương đã xây dựng cơ sở hoạt động bí mật, lãnh đạo và nuôi dưỡng phong trào quần chúng chuẩn bị tốt cho cuộc Tổng tuyển cử (20/7/1956).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Tỉnh Thủy thuộc vành đai trắng, phía Đông tỉnh đường Quảng Tín nên đã bị địch đánh phá vô cùng ác liệt. Theo số liệu thống kê đến năm 1975 cứ 1m2 đất là có một quả bom, 4 quả pháo các loại cày xới, làng xóm, cây cối bị san bằng. Chiến tranh rất ác liệt tưởng chừng như không ai chịu nổi nhưng dân làng Tỉnh Thủy vẫn bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” để nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ và bảo vệ thành quả cách mạng cho đến ngày toàn thắng.
Qua số liệu chưa đầy đủ, trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh Thủy đã bị giặc đốt phá 850 ngôi nhà, 5 ngôi đền thờ, 300 ghe thuyền, 952 giàn lưới…124 người bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man, 365 người trụ bám, chiến đấu và đã chết, 12 người bị tàn tật do bom đạn, 383 người được công nhận liệt sĩ, 78 thương bệnh binh, gần 100% gia đình có công cách mạng và 52 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản nhưng Tỉnh Thủy đã góp phần cùng nhân dân các thôn trong xã Kỳ Anh làm nên “Huân chương thành đồng” do Nhà nước phong tặng vào năm 1966. Và sau ngày thống nhất đất nước được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Vào đầu thế kỷ XIX, nhân dân góp công, góp của đã xây dựng được ngôi đền thờ Tiền hiền, đồng thời chọn ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ. Sau khi xây dựng đền thờ xong, các bậc tiền nhân đã khai hoang được 5 sào ruộng sung làm hương hỏa nhằm tạo nguồn thu để chi cho các hoạt động trong ngày giỗ tổ. Từ đó đến nay ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của dân làng. Không ai bảo ai nhưng cứ đến ngày này con cháu từ khắp nơi tề tựu về đông đủ, cùng nhau dâng lên những nén nhang tỏ lòng thành kính đối với công đức của Tổ tiên. Là những người không chỉ lo tổ chức cho dân làng an cư, lạc nghiệp mà còn giáo dục con cháu đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong công việc làm ăn cũng như trong cuộc sống, cùng nhau chiến thắng thiên tai, địch họa. Phước đức ấy đã để lại con cháu như nội dung bài vị đang thờ “Tổ đức tiền nhân lưu phước ấm, thống truyền hậu thế nhựt minh quang”. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử ngôi đền bị hư hỏng nặng nề. Đến tháng 2/1971 (năm Tân Hợi), mặc dù đời sống dân làng còn nhiều khó khăn nhưng đã chung tay góp sức làm được ngôi đền tạm để có nơi thờ phụng. Song do chiến tranh loạn lạc ngôi đền xuống cấp, ngày 8/3/1998 nhằm ngày 10/2 năm Mậu Dần nhân dân đã đóng góp xây dựng ngôi đền, tọa lạc trên nền đất cũ.
Trải qua hơn 20 năm đưa vào sử dụng ngôi đền đã xuống cấp và quá chật chội không đảm bảo diện tích để con cháu ngồi lại sinh hoạt vào mỗi dịp giỗ tổ. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thể theo nguyện vọng của đông đảo con em, tại cuộc họp diễn ra vào ngày 08/4/2018, Chi bộ, Ban nhân dân thôn, Ban công tác mặt trận, đại diện 47 Chư phái tộc, các tổ đoàn kết, các hội đoàn thể cùng những người đại diện hội đồng hương tại một số tỉnh, thành đã thống nhất vận động quỹ để xây dựng lại ngôi đền ngay trên nền đất cũ gồm các hạng mục nâng nền cao bằng mặt đường, mái đổ bê tông, lợp ngói, xây dựng tấm bình phong, tường rào, cổng ngõ, bờ kè chống sạt lở. Qua hơn 1 năm vừa vận động quỹ vừa xây dựng, công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Nhà văn hóa truyền thống làng Tỉnh Thủy được xây dựng 2 mặt, trong đó một mặt nhìn ra sông Trường Giang là nơi thờ các vị Thủy tổ của các chư phái tộc cùng những người có công với làng với nước. Riêng mặt hướng ra đường Thanh niên ven biển, phần chính giữa thờ Bác Hồ, hai bên thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cùng những người hy sinh trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn hóa truyền thống làng Tỉnh Thủy là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương và truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc. Qua đó, giúp con em càng thêm tự hào về quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc. Người dân làng Tỉnh Thủy vẫn tiếp nối truyền thống anh hùng và mạch nguồn văn hóa truyền thống, chung tay xây dựng cuộc sống mới hôm nay.