Lễ hội mùa xuân và “tương thích” với đại dịch Covid-19
Thứ tư - 26/01/2022 03:45
Mùa xuân là mùa của các lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tết Nguyên đán (Tết âm lịch) được gọi là Tết Cả, sau Tết Cả là “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...” (ca dao).
Lễ hội Bà Thu Bồn
Tết là “thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng” (GS. Đinh Gia Khánh). Vùng đất Quảng Nam thường vào cuối tháng mười một, từ tiết đông chí cho đến cuối tháng chạp là thời điểm tu sửa phần mộ, giỗ chạp để nhớ ơn ông bà, rồi đến cúng tất niên - tạ ơn trời đất, tổ tiên, tổ nghề đã phù hộ, độ trì gia chủ một năm “ít rủi, nhiều may”, “làm ăn tấn tới”. Sau Tết Nguyên đán, vào tháng giêng, tháng hai âm lịch là dịp diễn ra những lễ lệ, lễ hội như lễ cầu bông, lễ phạt mộc (Hội An), lễ đảo thủy đua ghe (khuấy động dòng nước - Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc), lễ mở cửa rừng (Tiên Phước), lễ Nguyên tiêu (Hội An), lễ hội Bà Chợ Được (Thăng Bình), lễ hội Bà Thu Bồn, Bà Pô Pô, Bà Phường Chào (Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc...), lễ cúng đất, cúng kỳ yên của người Quảng, lễ cầu ngư - bả trạo của cư dân miền biển Quảng Nam... Tết Nhâm Dần năm 2022 là năm thứ ba người dân cả nước “sống chung” với đại dịch Covid-19. Cuối năm 2021 ngay trước Giáng sinh, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo với người dân toàn thế giới rằng “ngay cả sự kiện tôn giáo có tính toàn cầu cũng có thể tạm hủy còn hơn là hủy những cuộc đời”. Mùa lễ hội, ngoài việc mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh này mà chính sách tổ chức, quản lý các sự kiện văn hóa lễ hội ở mỗi địa phương sẽ có nhiều kịch bản khác nhau để sẵn sàng “tương thích” với điều kiện/bối cảnh dịch bệnh. Như vậy, ngoại trừ dịch dã ở mức độ nguy cấp (mức độ vùng đỏ) dừng hẳn sự kiện thì việc “thực hành văn hóa” lễ lệ/lễ hội có thể linh hoạt “thích ứng” để thực hiện những chức năng của sự kiện nhằm duy trì những giá trị của văn hóa truyền thống. Dưới góc nhìn văn hóa, nhà tổ chức cũng như người tham gia “thực hành văn hóa” có thể tham khảo những vấn đề thiết thực như sau:
Lễ cầu bông ở làng rau Trà Quế
Hạn chế những thói quen/tập tục để phòng chống dịch bệnh, chú trọng văn hóa tâm linh/tinh thần. Vì lẽ, những thói quen/tập tục tốt của truyền thống như thăm hỏi, chúc tụng nhau trong dịp Tết, dịp lễ hay tổ chức những bữa ăn sum vầy, đoàn viên, giới nghiên cứu gọi là “bữa cơm cộng cảm” một biểu hiện của “hội hè/giao cảm” thường là những môi trường dễ lây lan dịch bệnh. Nhiều sự kiện lễ lệ đã được khuyến cáo tạm dừng phần “hội” chỉ giữ phần “lễ/lệ” nhằm phục vụ nhân dân nhu cầu thụ hưởng việc “cố kết cộng đồng” thông qua việc cùng nhau về nơi thờ tự “hương khói” tưởng nhớ vị Thần/Thánh chung của cả cộng đồng, để mỗi người thực hành văn hóa đều tôn vinh giá trị cộng đồng, tự điều chỉnh mình trong các mối quan hệ với gia đình dòng tộc, làng xóm, cộng đồng. Thực hành phần lễ cũng là thực hiện những giá trị khác biệt của công dân người làng này với các làng khác và nhất là thực hiện chức năng giáo dục, tự giáo dục các giá trị truyền thống của lễ/lệ, của thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Đồng thời việc thực hành nghi lễ cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của mỗi người, gia đình, dòng tộc. Đây là dịp mỗi người tự “liên thông” với thế giới của người đã khuất nhằm bày tỏ lòng tri ân cũng như những ước nguyện của người còn sống với người ở cõi vô hình. Chỉ khi nào thực hiện được những nghi thức tâm linh/tinh thần đó con người mới an tâm, mới thanh thản sống, tin tưởng và hy vọng vào sức khỏe, cầu mong “nhân khang vật thịnh”, công việc thành tựu, viên mãn. Linh hoạt tổ chức lễ hội an toàn trong điều kiện cho phép... Việc tổ chức nghiêm ngặt phần lễ một cách trật tự (người dự lễ thực hành nghi lễ được “test” nhanh, được khử khuẩn, được phát phiếu thứ tự, vị trí đứng ngồi đúng khoảng cách phòng dịch, thực hành nghi lễ trang nghiêm, an toàn cả trước và sau khi hành lễ đang là hình mẫu mà nhiều địa phương/đơn vị tổ chức lễ/lệ thực hành. Nhiều địa phương, đơn vị vốn coi sự kiện lễ hội truyền thống như một sản phẩm du lịch độc đáo, có vai trò quan trọng trong kinh tế du lịch cộng đồng, địa phương vẫn có thể linh hoạt khuyến cáo mọi người tuân thủ quy định 5K trong phần Hội như hội đua ghe/thúng chai trên sông/biển, các hội trình nghề, thi tay nghề ẩm thực, nghề dệt, nghề đan lát, nghề chế tác đèn lồng, đúc đồng, làm trống... Một số môn thể thao dân gian như bắn cung/nỏ, ném còn/vòng, thả diều, bắt vịt trong ao/sông... trong điều kiện “giãn cách” người chơi và cả người xem để bảo đảm công tác phòng dịch. Thỏa mãn văn hóa tâm linh, vui chơi thưởng ngoạn thú vui ngày Tết nhưng không lơ là phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang là hai phương án “lý tưởng” trong mùa lễ hội xuân của đất Quảng nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung trừ khi địa phương biến thành “vùng đỏ”. Ông bà xưa từng dạy “linh tại ngã bất linh tại ngã” (linh thiêng hay không cốt tự lòng ta), mỗi người đều có một “đối tượng” văn hóa tâm linh tự trong lòng mình để nhớ, để “ghi tâm khắc cốt” và tự “thực hành văn hóa” bất cứ nơi nào, lúc nào có nhu cầu...
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam