Lễ hội dân gian lưu giữ các giá trị văn hóa biển xứ Quảng

Thứ hai - 08/08/2022 22:24
Từ hàng ngàn năm trước, vùng biển xứ Quảng đã có người tiền sử sinh sống, di cốt động vật biển để lại trong di chỉ cồn sò điệp Bàu Dũ (Núi Thành) cho thấy cư dân cổ ven biển Quảng Nam đã vươn ra đại dương để mưu sinh, văn hóa biển còn ghi dấu bằng các hoa văn sóng nước, hoa văn in mép vỏ sò trên đồ gốm cổ Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Qua các di vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai 3 mấu, khuyên tai 2 đầu thú đã xuất hiện ở đảo Lan Dư (Đài Loan); đảo Palawan, đảo Luzon (Philippin), cho thấy người cổ Sa Huỳnh đã có thể vượt biển đến các hải đảo xa xôi trên Thái Bình Dương.
Nét đẹp truyền thống ở làng chài Tam Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Nét đẹp truyền thống ở làng chài Tam Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Vào những năm đầu Công Nguyên, người Chăm cổ được biết đến như là những người chuyên đi biển, sống bằng nghề biển; những chiếc ghe bầu mà người Việt sau đó đến sinh sống trên vùng biển xứ Quảng đã sử dụng để chuyên chở hàng hóa ra bắc vào nam, là phương tiện vận chuyển có nguồn gốc từ cư dân Chăm cổ. Trải qua hàng ngàn năm sống dựa vào biển cả, cộng đồng cư dân miền biển đã rèn đúc bản lĩnh và hình thành tính cách dũng cảm, kiên cường, tháo vát...  của những người quen đối mặt với sóng to, gió lớn. Kinh nghiệm trong lao động kiếm sống trên biển đã tích lũy thành những tri thức dân gian, tín ngưỡng, tập quán, nghệ thuật dân gian; sự tiếp biến, kế thừa qua nhiều thế hệ cư dân miền biển, đã hình thành nên văn hóa biển Quảng Nam vừa có những nét chung của văn hóa biển Việt Nam, vùa có nét riêng của văn hóa biển xứ Quảng.
Gắn bó, nương nhờ vào biển để sinh tồn, cư dân miền biển thường xuyên phải đương đầu với bao mối nguy hiểm giữa biển cả mênh mông, ngư dân đặt niềm tin vào sự phò trợ của các vị thần linh, mong được tai qua nạn khỏi. Người Chăm có truyền thuyết về thần Sóng Biển Pô Riyak - Chúa đại dương, ngài thường hóa thân thành cá voi để cứu giúp người đi biển gặp nạn. Ở Ninh Thuận hiện nay, lễ cúng Pô Riyak được tổ chức vào mỗi đầu năm Chăm lịch1. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ cá Ông của người Việt ở các làng chài ven biển miền Trung có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Sóng Biển Pô Riyak của người Chăm2.
Trong quá trình tiếp biến văn hóa, từ linh vật cá voi của người Chăm - thần Sóng Biển Pô Riyak đã được Việt hóa thành cá Ông. Người Việt vùng duyên hải có truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát đã hóa phép làm hàng vạn mảnh áo cà sa của ngài biến thành cá voi để cứu người bị nạn trên biển cả. Thực tế, đã có một số trường hợp ngư dân gặp bão tố trên biển đã được cá voi dìu ghe đưa vào bờ, từ đó họ càng tin rằng khi gặp bão tố trên biển hãy cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ có cá voi cứu giúp. Vì thế, cá voi được tôn xưng là Đức Ngư, cá Ông… Các vua triều Nguyễn đã phong thần cho cá voi với các danh xưng như Nam Hải cự tộc Ngọc Lân chi thần; Từ tế chương linh trợ tín trừng trạm Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần...
Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông tại các làng chài ven biển đã hình thành nên nét đặc trưng trong văn hóa miền biển từ duyên hải Trung Bộ vào đến Nam Bộ. Điều đặc biệt nhất trong tục thờ cá Ông của cư dân vùng biển Việt Nam là xem cá voi là linh vật thân thiết, chẳng những ngư dân Việt không săn bắt cá voi như nhiều nước trên thế giới mà còn tôn thờ cá voi. Khi cá voi chết dạt vào bờ, người dân làng chài tổ chức tang lễ và chôn cất như người thân trong làng. Vùng biển Quảng Nam có nhiều nghĩa địa và lăng thờ cá Ông, chỉ riêng Hội An đã có 8 địa điểm liên quan đến tục thờ cúng cá Ông: lăng Ông Ngư (Tân Hiệp), lăng Ông An Bàng, lăng Ông Tân Thành (Cẩm An), lăng Ông Cẩm Nam, lăng Vạn Thanh Thuận (Cẩm Nam), lăng Ông Cẩm Thanh, lăng Tiêu Diện, lăng Ông Nam Hải (Cửa Đại).
Hàng năm vào tháng 2 âm lịch, người dân miền biển Quảng Nam tổ chức lễ hội Cầu ngư (Lễ tế cá Ông, lễ Nghinh Ông) để cầu mong ra khơi bình an, cá tôm đầy thuyền. Trong lễ hội Cầu ngư có nhiều giá trị văn hóa biển được thể hiện như tín ngưỡng dân gian, dân ca, kinh nghiệm dân gian, nghề biển, nghệ thuật dân gian… Trong lễ Cầu ngư ở Quảng Nam và các tỉnh duyên hải Trung bộ, sau phần lễ tế, người ta thường tổ chức hát bả trạo, đây là nghệ thuật diễn xướng dân gian mang màu sắc Hát bội qua trang phục và ca diễn của các ông Tổng mũi, Tổng khoang và Tổng lái, nội dung hát bả trạo được thể hiện qua các điệu hát nam, hát khách, tán, nói lối... bên cạnh đó còn kết hợp các điệu hò chèo thuyền, hò đưa linh, hò khoan… Các diễn viên bả trạo kết hợp hát với các động tác múa mô phỏng chèo thuyền. Hát bả trao có nhạc đệm như diễn Tuồng, ban nhạc gồm đàn nhị, kèn bầu, đàn nguyệt, trống chiến, sanh tiền (song lang)… Diễn xướng bả trạo gồm có 2 phần: Long thần bả trạo ca tán dương công đức của cá ông và các vị thần linh trên biển cả phò trợ ngư dân vượt qua sóng gió, tôm cá đầy thuyền; Âm linh bả trạo ca tỏ lòng thương tiếc cá Ông lụy và các sanh linh bỏ thân trên biển cả; hát bả trạo cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ của ngư dân vượt qua sóng gió hiểm nguy. Hát bả trạo là nghệ thuật, cũng là tín ngưỡng, là truyền thống văn hóa của cư dân miền biển, nó cũng thể hiện cuộc sống và lao động gian nan của ngư dân giữa mênh mông biển cả. Mặc dù nội dung diễn xướng bả trao các tỉnh duyên hải miền Trung có nét tương tự nhau, tuy nhiên lời hát mỗi nơi có thay đổi thể hiện qua địa danh hoặc đặc trưng vùng miền, chỉ cần nghe câu hát của Tổng khoang là biết người dân tỉnh nào đang thực hiện diễn xướng bả trạo.
Trong lễ hội cầu ngư luôn có tổ chức đua thuyền truyền thống, đây là hoạt động sôi nổi và thu hút nhất trong phần hội miền biển. Hầu như các xã miền biển Quảng Nam đều có đội đua thuyền, những ngư dân quen sóng gió cùng đồng lòng chung sức, rập ràng tay chèo, cố sức đưa chiếc thuyền đua của mình về đích nhanh nhất, hòa trong tiếng trống chầu giục liên hồi là hò reo cổ vũ của người tham gia lễ hội tạo nên không khí náo nhiệt, hào hứng. Đua thuyền truyền thống không chỉ là hoạt động mang tính thể thao, rèn luyện sức khỏe mà còn thể hiện sự đoàn kết  cộng đồng, là nét đẹp trong văn hóa miền biển…
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhiều khu du lịch được xây dựng dọc ven biển Quảng Nam, đó là cơ hội để người dân địa phương tham gia làm dịch vụ, nâng cao đời sống. Tuy nhiên sự phát triển ồ ạt này cũng là thách thức lớn đối với việc bảo tồn văn hóa biển, không ít làng chài dọc ven biển miền Trung phải nhường đất cho các khu đô thị mới và khu du lịch; không gian các làng chài ngày càng bị thu hẹp, văn hóa biển có nguy cơ suy thoái.  Để khai thác một cách có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên và bảo tồn các giá trị văn hóa biển, cần có những định hướng và giải pháp đúng đắn. Phải quy hoạch cẩn thận không gian phát triển đô thị và không gian bảo tồn văn hóa biển. Cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và kinh tế miền biển nói riêng, cần phải coi văn hóa là yếu tố hàng đầu. Văn hóa truyền thống chỉ tồn tại bền vững trong chính không gian và con người đã sáng tạo ra nó. Vì thế, bảo tồn không gian văn hóa biển trước hết là phải giữ được các làng biển – không gian sinh tồn của cư dân miền biển, đây cũng chính là không gian thực hành lễ hội và bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa biển cho các thế hệ mai sau...

(1) Inrasara. Pô Riak - Thần Sóng: Lịch sử, truyền thuyết và tục thờ cúng. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128). 2016 tr.81-94

(2) Nguyễn Thị Thu. Lễ cúng Pô Riyak của người Chăm và tục thờ cá ông của cư dân ven biển miền Trung. Báo Ninh Thuận/ 19/5/2014
 

Tác giả: Hồ Xuân Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 1506 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1526 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1498 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay2,514
  • Tháng hiện tại45,220
  • Tổng lượt truy cập905,754
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây