Khơi dậy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người xứ Quảng

Thứ hai - 04/04/2022 23:18
Suốt 25 năm qua (kể từ thời điểm tái lập tỉnh năm 1997), các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện, đưa các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, con người đi vào cuộc sống. Từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các Nghị quyết nêu ra được các địa phương, đơn vị cụ thể hóa tùy vào điều kiện thực tế cũng như chức năng, nhiệm vụ của mình. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản đều được triển khai thực hiện: Từ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đến xây dựng con người phát triển toàn diện; trong đó bao gồm nhiều nhiệm vụ cụ thể với tư cách là những yếu tố hợp thành (như xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...).
Phong trào văn hóa văn nghệ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Phong trào văn hóa văn nghệ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Nam làm cho văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của phát triển đã và đang trở thành yêu cầu, mục tiêu quan trọng nhằm góp phần đưa tỉnh nhà phát triển bền vững.
Những yêu cầu cao hơn về phát triển văn hóa, con người
Kể từ Đại hội đổi mới của Đảng - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người liên tục được bổ sung, phát triển. Năm 1987, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 về "đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật  và văn hóa phát triển lên một bước mới". Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Đảng tiếp tục xác định vai trò "nền tảng tinh thần của xã hội", "động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội" của văn hóa. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, thêm một Nghị quyết mới về văn hóa được ban hành, xác định: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống hoạt động xã hội... vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Năm 2008, Bộ Chính trị khóa X ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật". Năm 2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI ban hành Nghị quyết về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"... Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về phát triển văn hóa, con người. Đặc biệt, Đại hội đã xác định việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nội dung rất quan trọng, luôn được Đảng dành sự quan tâm đặc biệt. Những yêu cầu về phát triển văn hóa, con người ngày càng được đặt ra cao hơn, cấp thiết và toàn diện hơn.
Nỗ lực vì sự phát triển của văn hóa, con người
          Để xây dựng, phát triển văn hóa, con người, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được xem như là một điều kiện cần, là giải pháp mang tính đòn bẩy. Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, công trình đầu tiên được lãnh đạo tỉnh quyết định xây dựng tại tỉnh lỵ Tam Kỳ là Trung tâm Văn hóa tỉnh chứ không phải là trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước. Để rồi từ đó, các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh liên tục được xây dựng, hoàn thiện. Đến nay, 18/18 huyện, thị xã, thành phố; 215/241 xã, phường, thị trấn đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và ở thiết chế hành chính nhỏ nhất là cấp thôn, hiện cũng đã có 1.127/1.240 nhà văn hóa, khu thể thao được xây dựng và trang bị đạt chuẩn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa đọc, bồi dưỡng tố chất của con người, đến nay 17 thư viện cấp huyện (trừ huyện Tây Giang), 36 thư viện, phòng đọc cấp xã đã được xây dựng... Trong khi đó, ở cấp tỉnh, cơ sở vật chất văn hóa trọng yếu như Trung tâm Văn hóa, Thư viện và Bảo tàng tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hóa ngày càng cao. Chính từ các thiết chế vật chất này, một "dư địa" lớn và quan trọng được tạo ra, nhằm phục vụ việc nghiên cứu, học tập, vận dụng, phát huy các giá trị truyền thống của quê hương, hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển, hưởng thụ văn hóa của xã hội cũng như hoàn thiện, phát triển con người.
          Phát triển văn hóa, con người toàn diện; lấy con người làm trung tâm, phát huy yếu tố con người trong xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa luôn được đẩy mạnh. Đến nay, ở cấp tỉnh, gần 99% cán bộ, viên chức ngành văn hóa có trình độ từ cao đẳng trở lên và ở cấp huyện là 70,9%. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức về di sản, về xây dựng đời sống văn hóa mới được thực hiện thường xuyên và đều khắp trong cộng đồng. Trong đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện gắn kết với nhiều phong trào khác góp phần xây dựng và phát huy phẩm chất thân thiện, mến khách, nhân văn của con người Quảng Nam... Ngoài ra, sự phát triển ngày càng sâu rộng, đa dạng của lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng góp phần tích cực vào xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Từ chỗ chỉ có chưa tới 40 hội viên của 3 chuyên ngành, đến nay đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã tăng lên hơn 230 người thuộc 8 chuyên ngành văn học, nghệ thuật khác nhau. Trong 25 năm qua, hàng nghìn tác phẩm có chất lượng đã được xuất bản, phát hành phục vụ công chúng. Đặc biệt, với việc ban hành các giải thưởng hằng năm, 5 năm dành riêng cho văn học, nghệ thuật và chính sách hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh đã tích cực lao động sáng tạo, đem đến cho công chúng ngày càng nhiều tác phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người xứ Quảng.
          Song song với việc đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa và đẩy mạnh giáo dục "làm người", các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã dành nhiều tâm sức, tiền bạc để đầu tư gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 432 di tích được ghi nhận, vinh danh, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 365 di tích cấp tỉnh; Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Bằng công sức, trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người dân Quảng Nam, hầu hết di tích trên địa bàn tỉnh đã được dựng bia, đầu tư bảo tồn, phục dựng, đảm bảo tính khoa học, tính nguyên vẹn và chân xác của di tích... Trong khi đó, công tác sưu tầm hình ảnh, tư liệu lịch sử cũng được thực hiện thường xuyên và có hệ thống. Các loại hình nghệ thuật truyền thống được chú trọng bảo tồn, phát huy một cách mạnh mẽ thông qua việc triển khai Dự án sân khấu học đường, đưa nghệ thuật Tuồng và Bài chòi vào giảng dạy tại một số trường; tổ chức tập huấn đàn hát dân ca ở các xã xây dựng nông thôn mới; định kỳ tổ chức liên hoan nghệ thuật Tuồng và liên hoan đàn hát dân ca toàn tỉnh; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống... Đặc biệt, khi tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Đoàn Ca kịch Quảng Nam vẫn được giữ nguyên, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân ca Bài chòi nói chung và kịch hát Bài chòi nói riêng.
          Những thành tựu trên chính là các cơ sở căn bản và hết sức quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Nam; làm cho văn hóa "thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", góp phần đưa tỉnh nhà phát triển bền vững.
Khơi dậy hơn nữa sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người xứ Quảng
          Nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu ngày một cao theo yêu cầu của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người cũng như theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, trong thời gian đến, những thành quả trên cần được phát huy mạnh mẽ, toàn diện hơn. Đồng thời, những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng văn hóa, con người Quảng Nam cần sớm được nhận diện và nhận diện liên tục để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu từ chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Gắn xây dựng và phát triển văn hóa, con người với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa và chất lượng các danh hiệu văn hóa. Đồng thời, triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống quê hương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gương “Người tốt, việc tốt”, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của con người xứ Quảng cần được chú trọng, nhất là việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng xứ Quảng. Cần phát huy, đẩy mạnh và đề cao trách nhiệm, vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc nghiên cứu, sáng tác, quảng bá hình ảnh Quảng Nam trong bối cảnh văn học, nghệ thuật Việt Nam hội nhập quốc tế.
          Để thật sự khơi dậy được sức mạnh nội sinh của văn hóa, của con người xứ Quảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải đặt ra các mục tiêu, giải pháp mang tính nền tảng, có tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị cao, như tăng cường giáo dục thế hệ trẻ; bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam; xây dựng các đề án cụ thể để phát triển toàn diện con người; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc lành mạnh, công bằng về cơ hội và lợi ích; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội; xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, làm cho văn hóa trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp trong hoạt động kinh tế... Đồng thời, cần được thực hiện lồng ghép, cụ thể hóa vào các mục tiêu về xây dựng Đảng, mục tiêu về tổ chức, cán bộ, mục tiêu về giáo dục đào tạo và rộng ra là mục tiêu tổng thể về nâng cao dân trí.
          Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã khẳng định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước". Đây là yêu cầu nhiệm vụ, và là mục tiêu cần phải hướng đến và đạt được. Vào cuối tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các mục tiêu, nhiệm vụ này đã được bàn thảo và cụ thể hóa một bước. Đây chính là cơ sở để trong thời gian đến, cùng với những vốn liếng đã có, Quảng Nam sẽ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Nam trong thời kỳ mới.

Tác giả: Phan Chí Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 1022 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 960 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1005 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,027
  • Tháng hiện tại6,716
  • Tổng lượt truy cập750,853
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây