Lòng chợt xao xuyến giữa cảnh thanh bình, trời đất bao la của một miền quê đang xây dựng nông thôn mới. Dòng sông Tiên vào mùa xuân, nước đã cạn dần, bãi đá Lò Thung nhô lên nguyên hình với bao hình thù đẹp mắt. Xa xa, làng cổ Lộc Yên với những con đường làng ẩn hiện, quanh co; lối vào từng ngôi nhà cổ thân thương, giản dị là những ngõ đá bao đời, hoang sơ mà hùng vĩ. Kìa Núi Bàn Mây, kìa Rừng Cấm và những hàng đá trầm mặc với thời gian. Giữa cảnh đẹp lạ lùng, trong lòng mỗi du khách lại háo hức muốn tiếp tục trải nghiệm, muốn khám phá hết những vẻ đẹp của xứ Tiên khi xuân về, Tết đến.
Cuối tháng chạp, tôi cùng những người bạn về thăm quê. Xe chạy vượt dốc Nước Nhỉ nối liền 02 xã Tiên Cẩm - Tiên Sơn. Đường nhựa đã thay cho con đường đất khúc khuỷu, lởm chởm đá tai mèo năm nào, đâu đây vẫn còn nghe tiếng suối chảy róc rách. Người xưa đặt tên dốc là Nước Nhỉ quả không sai. Những mạch nước từ lòng núi chảy ra quanh năm, chảy theo con mương ven đường làm cho không khí thêm phần mát mẻ. Nhìn sang bên kia núi, thác Ồ ồ trắng xóa trên vách núi hoang sơ.
Chiều quê êm ả. Gốc sưa cổ thụ ngày xưa còn đó, hàng chè tàu đã mấy mươi năm, nay vẫn xanh tươi, chỉ khác hơn là bây giờ trong vườn đã có thêm nhiều hàng cây măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng… nhiều cây đang ra trái vụ cho trái vào mùa xuân. Về quê mọi người vẫn mời nhau ấm nước chè xanh châm gừng nóng hổi hay bánh ít lá gai vào dịp chạp mả, tất niên. Những năm gần đây lại có thêm trái cây măng cụt, thêm món sữa chua nếp cẩm. Còn nhớ năm 2017, khi Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại TP. Đà Nẵng, năm đó măng cụt Tiên Phước được mùa mà có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và rất được giá. Mừng lắm trước những đổi thay phát triển của quê hương. Những ngôi nhà ngói đỏ, những khu vườn trù phú của miền quê mà thời kháng chiến từng là căn cứ địa nổi tiếng: Sơn - Cẩm - Hà; nhớ về những ngày đói khổ sau chiến tranh tự nhiên lòng tôi dâng lên cảm giác bồi hồi khó tả. Tôi chợt nhớ câu thơ của Xuân Hiệu, một người con của quê hương Tiên Sơn anh hùng: “Ai về thăm chiến khu xưa/Nhớ chăng ngày ấy bom thù như mưa/Ngụy lùng, Mỹ “lếch” sớm trưa/ Chất độc hóa học không chừa cỏ cây/Trắng làng trắng đất trắng tay/Ở hầm ăn cải tàu bay trường kỳ…”. Đi thăm di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tại thôn 1 xã Tiên Sơn, leo lên ngọn đồi, phóng tầm mắt nhìn qua Núi Ngang, Mõm Đồi, Hòn Nhón, lại nhớ câu thơ của người chiến sĩ Nguyễn Văn Thoang, Tiểu đoàn 70 anh hùng thời chống Mỹ: “Ăn củ chát nhớ Phước Hà dũng cảm/Ăn rau rừng nhớ Phước Cẩm hiên ngang/Đỉnh Núi Ngang qua tháng ngày yêu dấu/Chốt Mõm Đồi dù bom rớt đạn rơi…”.
Năm nay, nhà người anh trong họ của tôi tổ chức tất niên sớm để đón con cháu về thăm. Đã đi qua nhiều miền quê, nhưng tôi vẫn thích bữa cơm tất tiên đầm ấm miền trung du quê nhà. Những sản phẩm được trồng trọt, chăn nuôi khi xuân về được thu hoạch, một phần đem bán tăng thu nhập, một phần chế biến những món ăn ngon lành, hấp dẫn. Mỗi người tham gia một tay, sân vườn rộng rãi, lá chuối non trải trên nong, nia để chế biến thức ăn. Xem các chị chế biến món khoai nần nươm nấu canh với sườn heo gắn bó từ bao đời của quê nhà thật thú vị: Khoai đào về gọt vỏ rửa sạch, xắt miếng bằng hai ngón tay người lớn; những miếng khoai màu trắng, khá chắc thịt, trông rất đẹp mắt. Cho dầu phộng vào nồi khử với nén giã dập; tiếp tục cho sườn heo chặt miếng đã ướp gia vị vào xào cho săn lại, tiếp đến cho khoai vào, dùng đũa trộn đảo nhiều lần cho khoai nần nươm thấm đều gia vị. Đậy vung nấu nhỏ lửa khoảng 20 phút thì nồi canh khoai vừa chín tới. Khi múc canh ra tô rắc thêm ít lá nén, lá hẹ. Khoai nần nươm nấu canh, nước canh sánh, ngọt; khoai hơi dẻo, nấu chín thì vừa bỡ ăn ngon thật khó tả. Khoai nần nươm nấu canh với thịt gà; um với cá nhét, cá tràu hay lươn đồng thêm tiêu, ớt cay cay là món ăn dân dã có từ những ngày quê hương còn lắm khó khăn vào những dịp xuân về, mà trong ký ức của mỗi người dân quê tôi ai cũng nhớ.
Về quê xứ Tiên lại được ngắm nhìn những món xôi ngon lành hấp dẫn. Đời sống người dân sống càng khấm khá, những món xôi trên mâm cỗ tất niên được chế biến cầu kỳ, đẹp mắt, mang đậm tình cảm quê hương. Người xứ Tiên có lưu truyền câu ca dao về đĩa xôi dí dỏm mà sâu sắc: “Đám giỗ sắm cỗ đi mời/Không có đĩa xôi đi hồi đám giỗ”. Đơn giản chỉ là đĩa xôi, nhưng đã gắn với đời sống văn hóa, gắn với tâm linh của người dân quê xứ. Tất niên, cúng đầu năm mới, trên các mâm cúng phải có xôi. Mâm cúng Tiên sư là 3 đĩa xôi trắng, mâm cúng ông bà và mâm cúng ngoài trời có xôi vang, xôi hộc, xôi gà, xôi gấc, xôi hấp khoai cốc hương được làm khá kỳ công. Trong quan niệm của người xứ Tiên, đĩa xôi thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà; là nghĩa tình với bà con xóm giềng, là sự quan tâm con trẻ. Sau đám tiệc, xôi là món được gửi về cho người ở nhà. Tuổi thơ gắn bó với làng quê, sau buổi thả diều, bắn bi, lúc về được mẹ cho miếng xôi bà con gửi về; đơn giản là vậy mà sao cứ thương, cứ nhớ đến bây giờ…
Trên đường về lại thị trấn Tiên Kỳ, câu chuyện trên xe đang hồi rôm rả, anh bạn là cựu chiến binh của Sư đoàn 2 anh hùng muốn trở lại thăm xã Tiên Hà nơi anh đã từng chiến đấu. Đơn giản thôi, hết dốc Nước Nhỉ, quẹo phải - xã Tiên Hà, nơi được mệnh danh là chiếc nôi của Sư đoàn 2, đơn vị chủ lực của Quân khu 5; được thành lập ngày 20/10/1965, tại làng An Lâm xã Phước Hà, nay là thôn Đại Tráng, xã Tiên Hà. Trải qua hơn 57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống “Trên tin, bạn mến, dân thương, đã đi là đến, đã đánh là thắng”. Sư đoàn vinh dự được Đảng, nhà nước 2 lần tuyên dương Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Đã hơn 47 năm hòa bình trên quê hương Tiên Phước, nhưng trong ký ức của người lính của Sư đoàn 2 anh hùng vẫn luôn nhớ về chiến khu xưa mà giữ mãi lời thề quân dân cá nước; giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắc với đồng bào, đồng chí, đồng đội xã Tiên Hà nơi đã cưu mang, đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 - Quân khu 5 trong những ngày đầu thành lập.
Về thăm xã Tiên Hà, dạo bước trên bờ sông Khân vào mùa xuân với cảnh đẹp êm đềm. Những nà rau cải hai bên bờ sông đang nở hoa vàng, bao quanh là màu xanh của vườn của những rừng keo xanh ngắt. Giữa cảnh đẹp bao la của đất trời, chúng tôi tình cờ gặp một nhóm thiếu nữ đang cùng nhau ra bờ sông chụp ảnh. Xa xa, Nhà văn hóa thôn đang được trang trí rực rỡ cờ hoa. Hỏi ra mới biết, thôn đang tổ chức Tổng kết công tác xây dựng đời sống văn hóa dịp cuối năm. Nhìn các cô thiếu nữ áo dài xinh tươi giữa nà hoa cải vàng tươi, anh bạn đi cùng thì thầm với tôi: câu thành ngữ được nghe lâu nay quả thật không sai “Nhất gái Tiên Hà …”
Du xuân qua những vùng đất trung du ngày cuối năm thật nhiều cảm xúc. Lại muốn hẹn hò, lại muốn tiếp tục đi đến những địa danh đẹp mê hồn của miền quê xứ Tiên thơ mộng: Làng cổ Hội An, xã Tiên Châu với đình làng hàng trăm năm tuổi; Nhà lưu niệm Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng; cầu treo xã Tiên Cảnh, Tiên Ngọc; Thủy điện Sông Tranh… Để tiếp tục được thưởng thức món ăn dân dã, đậm đà: gà hầm muối, cá niên, chuối chần, bánh gừng… Trong mùa xuân Quý Mão - 2023 với bao niềm hy vọng.