Thời gian qua, Quảng Nam đã xác định phát triển du lịch theo hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu khách du lịch, nhất là dịch bệnh Covid-19 phần nào đã làm thay đổi xu hướng hưởng thụ của du khách muốn tìm đến thiên nhiên rộng rãi, thoáng mát, không tập trung đông người. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Phát triển bền vững luôn là mục tiêu hướng đến của ngành du lịch Quảng Nam, trong đó du lịch xanh được xác định là hướng đi chủ đạo bên cạnh các loại hình du lịch di sản, nghỉ dưỡng, cộng đồng". Du lịch xanh gắn với thiên nhiên, sinh thái, không chỉ là điểm đến xanh mà còn là sản phẩm xanh gắn với tuần hoàn rác thải, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Du lịch xanh được hiểu là sự cam kết của tất cả các bên liên quan đến du lịch, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, thực hiện việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động và doanh nghiệp du lịch và được thực hiện trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên. Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” là một thông điệp quan trọng, định hướng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu du lịch xanh mà Quảng Nam hướng đến. Dự kiến trong Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, Hội chợ du lịch xanh sẽ được tổ chức để xúc tiến, quảng bá các sản phẩm mới, bền vững của Quảng Nam đến với thị trường khách trong nước và quốc tế. Trong Kế hoạch số 5177/KH-UBND về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025; Kế hoạch số 8030/KH-UBND về mở cửa đón khách du lịch nội địa đến Quảng Nam; Quyết định số 3570/QĐ-UBND về ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh..., tất cả đều khẳng định và hướng đến “Du lịch xanh”, đây không chỉ là thông điệp mà còn là hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch mà tỉnh Quảng Nam muốn truyền tải đến du khách và là nền tảng quan trọng để trong năm 2022, Sở VH,TT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch xanh. Ông Hà Thanh Hải - chuyên gia cao cấp Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) đánh giá Quảng Nam là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch xanh, bền vững và TP. Hội An được chọn là nơi thí điểm để xây dựng mô hình du lịch xanh, làm cơ sở để lan tỏa, nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Ông Hà Thanh Hải cho biết: “Lợi ích khi hướng đến du lịch xanh là rất rõ ràng. Khi thực hành xanh thì doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, chi phí vận hành, tăng trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương, tăng thiện cảm và sự ưu tiên của du khách, đối tác và nhân viên cũng gắn bó bền vững hơn. Lúc đó, chi phí xây dựng sản phẩm ít nhưng bán được với giá cao vì qua thống kê có tới 75% du khách được khảo sát sẵn sàng trả chi phí cao hơn bình thường nếu đơn vị du lịch được công nhận đáp ứng Bộ Tiêu chí du lịch xanh”. Bộ Tiêu chí du lịch xanh bao gồm 6 loại hình dành cho: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan. Bộ Tiêu chí du lịch xanh được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) trên cơ sở tham khảo 25 Bộ Tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam. Theo Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, các đơn vị, điểm đến được công nhận đạt chuẩn du lịch xanh sẽ được thể hiện bằng biểu tượng “lá húng quế” với 3 cấp độ. Trong đó, đơn vị, điểm đến đạt 3 lá húng quế là khi đáp ứng được 90% số tiêu chí của Bộ Tiêu chí du lịch xanh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ theo mô hình du lịch xanh dựa trên các tiêu chí đã được ban hành. Những mô hình du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước, nói không với túi ni lông, rác thải nhựa dần được các doanh nghiệp du lịch và người dân hưởng ứng và thực hiện. Những mô hình du lịch xanh được du khách trong nước và quốc tế biết đến như: Field Restaurant & bar, Silk Sense Hoi An River Resort, La Siesta Hoi An Resort & Spa, Hội An Chic Villa, Kybimo Garden, sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe Health Organic Farm, An Farm với chuỗi tuần hoàn từ nguyên liệu đến thành phẩm; Coco Casa với sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển; Sea’lavie Boutique Resort & Spa với sản phẩm của shop Refill by Sea’lavie; EMIC Travel, Eco tour với những tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế từ rác thải; một số tour du lịch xanh cũng đã hình thành như tour nhặt rác, tour chèo thuyền kayak dọn rác vùng hạ lưu sông Thu Bồn... đã được cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận, bầu chọn và vinh danh thông qua các tổ chức du lịch uy tín như Forbes Travel, Travel and Leisure, Diễn đàn du lịch Asean (ATF)…; khi kết nối tour du lịch, khách sạn ÊMM Hội An cũng hướng khách đến tour đi xe đạp, thuyền thúng để giảm thải khí CO2, không gian khách sạn được ưu tiên nhiều cho sân vườn, cây xanh và khách thường được khuyến khích đi bộ trong khách sạn tạo cảm giác thoải mái, hòa mình vào với tự nhiên. Gần đây, một điểm "check-in" mang tên Chic Chillax trên cánh đồng lúa thuộc phường Cẩm Châu (TP. Hội An) cũng được đưa vào sử dụng. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hoa Hồng – là người đầu tư công trình chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra một điểm đến xanh, sinh thái, gần gũi thiên nhiên giúp du khách có thêm những trải nghiệm mới bên ngoài phố cổ". Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận: "Du lịch xanh, tái tạo lại tài nguyên là xu hướng chung của thế giới, nhất là sau đại dịch Covid-19, con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên hơn. Hiệp hội hiện hỗ trợ cho gần 10 dự án để hy vọng trong thời gian đầu năm 2022 sẽ có những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận du lịch xanh. Khi có sản phẩm với vài chục doanh nghiệp du lịch thực sự xanh thì mới có thể kết nối với các đối tác quốc tế. Nếu gần 10 doanh nghiệp tiên phong này làm được thì sẽ tự khắc lan tỏa cho các doanh nghiệp khác có tâm huyết. Và một khi nhận thấy hiệu quả từ du lịch xanh thì các doanh nghiệp còn lại cũng sẽ chuyển động”.
Để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, đồng thời quảng bá, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch xanh Quảng Nam nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, trong thời gian tới, ngành Du lịch Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ: Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mô hình du lịch xanh; Khảo sát, phân tích, đánh giá, lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh, kết nối các điểm du lịch xanh, xây dựng tour du lịch xanh trên địa bàn tỉnh; Xây dựng phim, vlog quảng cáo du lịch, thông tin, dữ liệu quảng bá, xúc tiến du lịch xanh trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước; Tăng cường liên kết, hợp tác vùng, liên kết với các địa phương để phát triển sản phẩm du lịch xanh; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác lợi thế du lịch mỗi địa phương; tranh thủ nguồn lực của các tổ chức phi Chính phủ và tổ chức quốc tế tạo nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch xanh; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, lao động có kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức về du lịch xanh; Tập huấn, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện và xây dựng mô hình kiểu mẫu theo Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịchxanh; Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch xanh, bền vững của các doanh nghiệp điển hình cho cộng đồng; Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các đối tượng tiếp cận các phương pháp, mô hình xây dựng sản phẩm du lịch xanh tiêu biểu; Tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip đến tham quan, khảo sát điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh Quảng Nam để quảng bá, xúc tiến cho du lịch xanh; Tổ chức hội chợ - triển lãm du lịch, các chuỗi sự kiện trưng bày bán các sản phẩm đặc trưng về du lịch xanh của tỉnh và các địa phương miền Trung về phát triển du lịch xanh Quảng Nam; Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch xanh, triển khai, vận động các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quà tặng lưu niệm từ các vật liệu xanh, thân thiện môi trường để phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch xanh; Thực hiện các kế hoạch, phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; các chương trình bảo vệ môi trường, hành động về rác thải nhựa, chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh… Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nêu trên, Quảng Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến "du lịch xanh" thú vị, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.