Với người dân xứ Quảng, từ lâu Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Tuồng Quảng có nguồn gốc lịch sử và nghệ thuật độc đáo.Những năm gần đây, bằng nhiều hình thức xã hội hoá, địa phương đã duy trì được hoạt động của các Câu lạc bộ Tuồng, một số địa phương đã tổ chức liên hoan nghệ thuật Tuồng như Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên, Quế Sơn... Đây là nguồn động viên khích lệ và cũng là những địa phương làm tốt công tác duy trì các đội Tuồng quần chúng để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng một cách hiệu quả hơn trong cuộc sống đương đại.
NSƯT Cao Đình Liên – Nguyên Trưởng đoàn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP.Đà Nẵng) cho biết: Người dân xứ Quảng vẫn quen gọi là “hát bội”. Tuồng xứ Quảng thấm đẫm những giá trị nhân văn và những ước mơ, khao khát của con người nơi miền nắng gió khắc nghiệt. Nói “Tuồng xứ Quảng” nhưng thật ra là nói cả ba vùng đất: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã phát triển từ đầu thế kỷ XVII, mở đầu là sự ra đời và hoạt động của hai gánh hát là Đức Giáo (Quế Sơn) và Khánh Thọ (Phú Ninh). Nhân vật được xem là ông Tổ của Tuồng xứ Quảng là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh. Từ hai gánh hát này, Tuồng phát triển rộng ra các vùng khác ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Có nhiều diễn viên xuất sắc được vua quan triều Nguyễn bổ sung vào các đoàn Tuồng triều đình. Sự giao lưu nghệ thuật dẫn đến sự học hỏi các chuẩn mực của dòng Tuồng cung đình, làm phong phú hơn nghệ thuật Tuồng dân gian xứ Quảng và để lại hậu thế các bậc kỳ tài như: Đội Tảo (NSND Nguyễn Nho Túy), Sáu Lai (NSND Nguyễn Lai), NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Phẩm…
Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của hai yếu tố nội dung và nghệ thuật. Trước hết, trên cái nền chung của nghệ thuật Tuồng dân tộc, phải kể đến kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang… Người ta hay nói “đi xem Tuồng”, nghĩa là nặng về phần “xem” hơn “nghe” để người xem hiểu cái hay, đẹp, thâm thúy của Tuồng. Ngoài yếu tố khoa trương, cách điệu, thì đặc sắc nhất của nghệ thật Tuồng vẫn là thủ pháp biểu trưng ước lệ. Đây là “viên ngọc” cần phải được tỏa sáng trong diễn xuất của người diễn Tuồng, bởi thủ pháp này vận dụng tối đa sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn để hấp dẫn người xem. Ví dụ, như chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân… để làm “sống” sân khấu y như thật. Vì vậy, trước đây, các gánh hát Tuồng chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ, phục trang vậy mà vẫn diễn tả được không gian, thời gian khác nhau. Múa Tuồng cũng là một đặc sắc bởi đây là phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng nhân vật. Người diễn viên đã vất vả để diễn nhiều động tác múa. Tuồng xứ Quảng chuộng về Tuồng văn, múa ít nhưng động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít có động tác võ. Đây là đặc điểm riêng có, nguyên nhân là xuất xứ của việc các bậc tiền bối Tuồng trước đây đi hát ở cung đình Huế (gọi là hát ngự). Các thế hệ nghệ sĩ Tuồng luôn chú trọng việc “truyền nghề” nên khá kỹ càng về những yếu tố đặc sắc này, xem đó là phần “thần”, phần “hồn” để truyền đạt, nhắc nhở cho các thế hệ diễn viên sau này.
Hiện nay, ở Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, Tam Kỳ, còn ở các xã, phường vẫn có CLB Tuồng. Bằng nhiều cách họ đã cố gắng duy trì, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng. Sự quan tâm của chính quyền địa phương và những người có tâm huyết đã kiên trì “giữ lửa” để Tuồng có sức lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân, nhất là lớp người cao tuổi được “sống” lại một thời vàng son của Tuồng mà họ đã từng say mê… Lâu nay, đã có nhiều hội thảo, dự án bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng nhưng xem ra vẫn chưa đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hằng năm, các hội diễn, hội thi Tuồng từ cơ sở thì luôn thu hút đông đảo người xem. Tại các huyện: Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên… đã tổ chức liên hoan hay vào các ngày lễ, tết luôn có sự nhiệt tình của những diễn viên “cây nhà lá vườn” và khán giả dự xem. Như vậy, từ chủ trương đúng đến quyết liệt làm như các huyện này thì “lửa” Tuồng sẽ không lụi tàn. Trong đó, phải kể đến ông Nguyễn Quỳnh – Chủ tịch Hội bảo trợ Tuồng Duy Xuyên với việc vận động nhiều nguồn tài trợ để đưa Tuồng vào trường học và thành lập các CLB Tuồng cấp xã, thôn. Hay như tại Nông Sơn, địa phương đã vận dụng linh hoạt nhiều nguồn để tổ chức các lớp học về diễn Tuồng, mua sắm đạo cụ, trang phục cho 6/6 CLB Tuồng của các xã. Tại huyện Quế Sơn hiện có 12 CLB Tuồng và định kỳ hai năm một lần tổ chức liên hoan. Và mỗi dịp như thế là một ngày hội để các nghệ sĩ làng quê nơi đây được sống hết mình với lời ca tiếng hát. Ông Huỳnh Văn Sáu – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Quế Sơn cho biết: "Bên cạnh việc tổ chức liên hoan Tuồng ở cấp huyện, các CLB Tuồng ở các xã vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Cứ mỗi dịp lễ hội, Tết đến xuân về cũng nghe những âm thanh của trống chầu và những trích đoạn Tuồng được diễn ra và đi sâu vào đời sống người dân. Ngoài diễn viên cao tuổi, các CLB còn có các diễn viên nhỏ tuổi đầy triển vọng”. Bằng nhiều cách làm như thế để giữ được phong trào ở cơ sở, tập hợp những người yêu Tuồng, diễn Tuồng và theo kiểu “người biết dạy người chưa biết” để tập luyện, biểu diễn. Đồng thời, cần quảng bá Tuồng rộng rãi đến người dân, như phát sóng truyền hình những vở Tuồng của các Đoàn Tuồng chuyên nghiệp hay những đoạn trích của các diễn viên “cây nhà lá vườn” từ các liên hoan, hội diễn ở cơ sở…
Về việc đào tạo lớp diễn viên trẻ, kế cận, cũng cần thận trọng trong từng bước như “tìm hạt, gieo mầm…”. Tuồng là vốn cổ, vốn quý, là nền tảng không thể thay đổi của văn hóa xứ Quảng nên lớp trẻ phải được tích lũy kiến thức, được đào tạo bài bản. Việc đưa Tuồng vào trường học, như các trường ở Duy Xuyên thời gian qua đã tìm ra các “diễn viên nhí” và xây dựng đội Tuồng đồng ấu của một số trường. Trước đây, từ Dự án “Sân khấu học đường” đã sơ tuyển diễn viên Tuồng (từ 14-19 tuổi), chủ yếu ở những vùng có truyền thống Tuồng như Duy Xuyên, Hiệp Đức, Tiên Phước, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn. Và trong khóa học về Tuồng của Bộ VH,TT&DL, các em vừa học văn hóa, vừa học làm diễn viên Tuồng. Đây sẽ là lớp nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện sứ mệnh nghệ thuật của cha ông để lại, để Tuồng gần hơn với nhịp sống đương đại và trong lòng công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, ở các cấp cơ sở, cần duy trì tổ chức các hội thi, liên hoan hằng năm, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những “hạt nhân” Tuồng của đất Quảng…