Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Quảng Nam
Thứ hai - 22/11/2021 20:47
Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Quá trình khai cơ lập nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển đi lên, cùng với sự giao thoa, đan xen, tiếp biến, kế thừa và hội tụ với các nền văn hóa như Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, nhất là nền văn hóa Chăm Pa và Đại Việt đã bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Quảng đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.
Với hai Di sản Văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, làng nghề truyền thống, lễ hội độc đáo... đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với Quảng Nam. Phát huy giá trị văn hóa đặc trưng thành sản phẩm du lịch Trong những năm qua, việc phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam đã được phát huy có hiệu quả. Điển hình như các sản phẩm du lịch độc đáo ở Khu phố cổ Hội Ancùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, một số lễ hội dân gian, ca múa nhạc truyền thống của dân tộc Chăm được tái hiện đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có các giá trị văn hóa vùng miền như hát bả trạo của cư dân miền biển, các lễ hội văn hóa miền núi rất phong phú và đa dạng. Có thể nói, những nền tảng văn hóa mà Quảng Nam có được chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Với những tài sản vô giá ấy, một trong những thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Nam là tìm ra phương án bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, đồng thời duy trì tính đa dạng văn hóa hiện có trên địa bàn tỉnh.
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang (huyện Tây Giang)
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp quy liên quan cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đối với hai Di sản Văn hóa thế giớiĐô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2020; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2020. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của Đô thị cổ Hội An nói riêng, hệ thống di tích, di sản văn hóa ở TP. Hội An nói chung được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của thành phố và cả cộng đồng người dân chung tay thực hiện. Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều công trình nghiên cứu và dự án tu bổ, phục dựng được thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Ấn Độ, Italia… góp phần ổn định kết cấu kiến trúc, gia cố vững chắc các tường tháp, hoàn thiện cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm của di sản, phục vụ việc tham quan của du khách. Bên cạnh đó, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa quốc tế New Delhi (Ấn Độ) dịch thuật hệ thống văn bia; phối hợp với các tổ chức MUTSUBISI, JICA sưu tầm tư liệu, xuất bản các ấn phẩm văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu di sản đến với du khách trong và ngoài nước. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế thông qua các tổ chức UNESCO, ILO, FIDR, KOICA, JICA và Đại sứ quán một số nước được tăng cường, thu hút được nguồn lực và công nghệ về bảo tồn hai Di sản Văn hóa thế giới; xây dựng chiến lược và nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch như: Dự án phát triển du lịch các huyện vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam, gắn phát triển du lịch với xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở miền núi... Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về di sản, du lịch Quảng Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ; các chỉ tiêu về số lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng cao. Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trên 20% mỗi năm; năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 764.000 lượt khách quốc tế. Sau hơn 20 năm (1999 - 2019), quy mô khách đến Quảng Nam tăng gấp 25 lần. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ. Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều nội dung công tác đặt ra bị hoãn, phát sinh nhiều nhiệm vụ ngoài kế hoạch, nhưng với tinh thần trách nhiệm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Tỉnh ủy Quảng Nam, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, kế hoạch… phát triển sự nghiệp của ngành trong thời gian tới, tiêu biểu như Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnhquy định về tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm du lịch trên địa bàn TP. Hội An và Quy định mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; Quyết định số 2596/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030... Thời gian tới, để di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, tiếp tục trở thành động lực cho sự phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nói chung, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung vào các nhiệm vụ: Thứ nhất, tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó chú trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị hai Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, gắn kết với việc phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống và hiện đại, phát triển du lịch làng nghề; tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian.Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An; tổ chức chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên); Làng Bích họa Tam Thanh, Địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ); Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Khu du lịch sinh thái Rừng Hà Gia (Điện Bàn); Làng du lịch cộng đồng xã Tam Hải (Núi Thành)...; Xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, tạo nét độc đáo,khác biệt phù hợp với thị trường khách theo hướng du lịch xanh, bền vững dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa bản địa. Thứ hai, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Quảng Nam đến với du khách, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư. Thứ ba, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào dân cư bản địa; phát triển du lịch có trách nhiệm hướng tới chia sẻ hài hòa các lợi ích, trong đó đảm bảo lợi ích cho cộng đồng và du khách; lấy lối sống, sinh kế, văn hóa bản địa cùng với sự hiếu khách và môi trường du lịch văn minh là mục tiêu phát triển điểm đến. Để phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành Phương án đón khách du lịch quốc tế đến tham quan tại Quảng Nam. Theo đó, lộ trình đón khách du lịch quốc tế sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn và phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19... Việc tổ chức đón khách quốc tế đến Quảng Nam nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục các hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Từng bước, đưa du khách trở lại Quảng Nam đồng thời quảng bá hình ảnh "Quảng Nam - Điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn"; khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Nam. TS. Nguyễn Thanh Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam