Liên kết điểm đến du lịch để cùng nhau phục hồi, phát triển
Lễ ký kết hợp tác của CLB "Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa" gồm 6 doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, lữ hành trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam là Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (thuộc Tập đoàn FVG), Đảo Ký ức Hội An, Cộng đồng du lịch làng Chài Tân Thành, Tập đoàn Thiên Minh, Silk Group và Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh. Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều ý tưởng tìm cách vực dậy thương hiệu du lịch Quảng Nam trong thời gian qua đều không thể triển khai thực hiện được. Việc ra đời CLB "Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa" trong thời điểm này phù hợp với tình hình, điều kiện mới nhằm góp phần tôn vinh, gìn giữ giá trị bản địa của một vùng đất giàu tiềm năng văn hóa, thiên nhiên và con người. Đồng thời đồng kết nối và hỗ trợ nhau để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch bản địa đến du khách tiếp cận, thưởng thức trải nghiệm. Việc đưa các giá trị bản địa ở địa phương vào đầu tư, vận hành khai thác du lịch nhằm phát huy tiềm năng lợi thế vào các điểm đến du lịch một cách bền vững, tạo thêm chất xúc tác trong tiến trình phục hồi du lịch Quảng Nam.
Xây dựng sản phẩm du lịch trên nền tảng các giá trị văn hóa bản địa
Khai thác giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch từ hoạt động thường nhật như lối sống, lễ hội, buổi chợ, sinh hoạt cộng đồng… của cư dân địa phương, các thành viên tham gia CLB đều nhận thấy đây là sản phẩm du lịch mà du khách mong muốn được khám phá khi đi du lịch trải nghiệm và khám phá tại Quảng Nam. Trong danh mục tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn Quảng Nam được phê duyệt, nhóm địa phương sở hữu nhiều giá trị bản địa như Núi Thành, Đông Giang, Nông Sơn, Nam Trà My… nhưng trên thực tế, hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa phát triển nhiều. Vì vậy, 6 thành viên CLB cùng đồng hành bước đầu tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm trải dài “từ nguồn xuống biển”, khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Nam như phố cổ Hội An, làng chài ven biển, thắng cảnh hồ nước Phú Ninh, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đại ngàn hùng vĩ... Đây là những doanh nghiệp du lịch có khả năng kiến tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn từ các giá trị đặc trưng bản địa của xứ Quảng. Qua đó càng thấy rõ CLB quy tụ được nhiều đầu mối, từ nơi du lịch đã phát triển mạnh mẽ như Hội An lan tỏa cho đến vùng phía nam là Phú Ninh, vùng cao phía tây Đông Giang theo đúng định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của Quảng Nam hiện nay.
Tham gia tại chương trình, các đơn vị thành viên đầu tiên của CLB cùng cam kết sẽ bắt tay tạo dựng các gói sản phẩm liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Quảng Nam, đón đầu làn sóng du khách trở lại trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, cũng khẳng định hướng tới các hoạt động du lịch bền vững, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa Quảng Nam. Ông Lê Quốc Việt - Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Làng chài Tân Thành, đại diện cho các doanh nghiệp thành viên CLB đã chia sẻ đầy tâm huyết: Những doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam luôn mong muốn vực dậy ngành du lịch khi địa phương mở cửa đón du khách trở lại. Để tạo nên sức mạnh cho du lịch Quảng Nam thời gian tới, các thành viên CLB quyết tâm bắt tay cùng nhau, để có thể đi xa hơn và cùng đồng nhất một định hướng để Quảng Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn về chất lượng dịch vụ mà còn là điểm đến đáng để khám phá vì những giá trị tự nhiên và văn hóa lịch sử bản địa rất đặc trưng. Ông Lê Quốc Việt cho biết thêm: Làng chài Tân Thành là cộng đồng du lịch mới được thành lập nhưng đã tạo dựng được nhiều hoạt động đặc trưng, thú vị và hướng tới các giá trị bền vững ở Hội An. Tại đây đã tổ chức chợ phiên đồ thủ công mỹ nghệ và tái chế, trình diễn nghệ thuật cộng đồng, hoạt động tình nguyện làm sạch bãi biển hay dạy tiếng Anh miễn phí cho cư dân địa phương… Quảng Nam là vùng đất đậm đặc giá trị bản địa. Bên cạnh “kho báu” trầm tích văn hóa, còn đó những nét đặc trưng tự nhiên, con người vô cùng đặc sắc cần được phát huy. Nhiều không gian có phạm vi diện tích không lớn nhưng lại tổng hợp được nhiều giá trị bản địa đặc trưng như Cù Lao Chàm, khu vực nam Hội An hay làng cổ Lộc Yên ở vùng trung du Tiên Phước, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang)... với những câu chuyện, giá trị độc đáo về hệ sinh thái, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, tri thức sản xuất, trình diễn dân gian rất cần sự sáng tạo để khai thác du lịch bền vững. Thời gian qua việc khai thác giá trị văn hóa, tự nhiên gắn với phát triển du lịch của địa phương là khá tốt, nhưng thực tế dư địa chiều sâu tài nguyên du lịch bản địa của Quảng Nam còn rất rộng mở và cần khai thác nhiều hơn theo hướng này.
Xác định bảo tồn và gìn giữ các giá trị bản địa là nền tảng cốt lõi của sản phẩm du lịch Quảng Nam, CLB “Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa” cùng cam kết và tuân thủ việc tôn trọng bản sắc của điểm đến chứ không chỉ đơn thuần là tập trung vào chất lượng dịch vụ. Việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, hướng tới du lịch xanh, tổ chức tập huấn, đào tạo và bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, tích cực hoạt động quảng bá truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng... là chương trình hành động đặt ra cụ thể của CLB trong thời gian đến. Tất cả vì mục tiêu chung là giới thiệu và thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định: CLB “Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa” đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều kỳ vọng về việc tạo ra "làn gió mới" cho du lịch địa phương. Đây là một minh chứng cho thấy du lịch Quảng Nam đã và đang chuyển động mạnh mẽ hơn trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục kết nạp thêm nhiều thành viên khác góp phần làm đa dạng hóa các điểm đến và dịch vụ du lịch, tạo nên sức mạnh bền vững và khẳng định thương hiệu cho du lịch Quảng Nam.