Cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) lại tổ chức Lễ hội Khai sơn. Đây là nghi lễ truyền thống nhằm tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp và dâng hương thần núi, cầu mong những điều tốt đẹp đến với dân làng. Lễ hội được duy trì suốt hàng chục năm qua đã bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, cố kết cộng đồng làng xã.
Lễ hội Khai sơn tại làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn)
Sau 3 ngày tết Nguyên đán cúng tế ông bà, tiên tổ, dân làng Nghi Sơn lại tề tựu chuẩn bị lễ vật cúng khai sơn và cúng tiền hiền tại đình làng Nghi Sơn. Phần tế lễ được chuẩn bị rất chu đáo, trang trọng mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống người dân vùng đất này. Những năm trước, khi chưa có dịch bệnh Coivd-19, Lễ hội Nghi Sơn được tổ chức với quy mô khá lớn không chỉ thu hút nhân dân trong làng tham gia mà còn lôi cuốn nhiều du khách thập phương về tham quan tìm hiểu. Phần hội của lễ hội Khai Sơn kéo dài trong ngày và đêm mùng 8 tháng Giêng với những trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, văn nghệ mừng xuân mới. Tuy nhiên năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên phần hội không được tổ chức.
Lễ hội Khai sơn được tổ chức thường niên vào ngày mùng 8 (tháng giêng)
Ông Đinh Hữu Năm (63 tuổi), một trong những người sưu tầm và biên soạn lịch sử làng Nghi Sơn cho biết, vào giữa thế kỷ XV (1442), một số tộc họ Âu, Dương, Phùng có nguồn gốc từ phủ Thừa Tuyên (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã đến khai phá và sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất Sơn Đào (nay là xã Quế Hiệp). Trong quá trình khám phá mở mang vùng đất mới, các vị tiền nhân lần theo con suối nhỏ tiến dần phía Bắc lên vùng đất cao hơn khai khẩn và đặt tên Khe Môn xứ (tên gọi được đặt do ở các khe suối trong vùng có rất nhiều cây môn dại). Kế tục các vị tiền nhân họ Âu, Dương, Phùng, các tộc họ gồm Lê, Đinh, Đỗ, Trần Đình, Ngô, Đoàn, Phạm, Võ, Nguyễn, Trần Phước, Trần Văn đã đến định cư tại Khe Môn xứ, tiếp tục khai phá tạo dựng một vùng đất rộng lớn lấy tên làng là Nghi Sơn. Trong điều kiện sống khó khăn của vùng sơn địa, dân làng luôn nương tựa, thể hiện tính cố kết cộng đồng rất cao. Người dân lập miếu làng ở rừng Cấm Miếu để thờ thần núi, thần rừng. Rừng Cấm Miếu rộng hơn 20ha cũng theo đó được dân làng gìn giữ như một “báu vật” và tồn tại cho đến ngày nay. Các thế hệ con cháu làng Nghi Sơn luôn nhắc nhở nhau bảo tồn, không ai được xâm phạm khu rừng Cấm Miếu để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho dân làng được an yên. Năm 1938, miếu làng ở rừng Cấm Miếu được dời về trung tâm làng Nghi Sơn. Trước khi làm lễ cúng khai sơn tại đình làng Nghi Sơn hiện nay, dân làng đều tổ chức lễ rước kiệu văn từ miếu làng ở rừng Cấm Miếu về đình làng. Ông Đinh Hữu Năm cho biết thêm: “Nguồn gốc của Lễ hội Khai Sơn là qua ngày mồng 8 tháng Giêng bà con mới ra đồng, lên núi để làm ăn. Năm nay đặc thù do dịch bệnh Covid-19 nên bà con tứ phương về ít, lễ hội cũng hạn chế. Lễ hội Khai Sơn nhắc nhở con cháu hướng về cội nguồn, tri ân các vị tiền hiền đã có công khai sơn phá thạch, gây dựng cơ đồ. Đây cũng là dịp các tộc họ, dân làng gặp mặt, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái”.
Cùng với dấu ấn về văn hóa, làng Nghi Sơn cũng để lại nhiều dấu ấn về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng. Nơi đây từng là một trong những căn cứ cách mạng vững chắc ở vùng rừng núi trung du phía tây Quảng Nam. Những năm 1940 - 1941, đồng chí Võ Chí Công đã chọn Nghi Sơn làm địa bàn bám trụ hoạt động cách mạng. Những hang động ở khu rừng Cấm Miếu như hang Bà Gánh, động Cây Sanh, nổng Huấn… trở thành nơi ấn loát tài liệu, nơi tổ chức các cuộc họp chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng.
Ông Trần Đình Thuận – Trưởng thôn Nghi Sơn cho biết, với tâm nguyện muốn kết nối, lưu giữ truyền thống, cội nguồn quê hương cho muôn đời con cháu mai sau, Ban nhân dân thôn Nghi Sơn đã xây dựng và hình thành tập “Lịch sử làng Nghi Sơn - Quế Hiệp”. Tập lịch sử khái quát một cách sinh động về cuộc sống con người nơi đây và sự hình thành phát triển lịch sử, văn hóa đặc trưng của làng. Đặc biệt thôn luôn nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để duy trì và phát huy Lễ hội Khai sơn – một bản sắc văn hóa, một nét đẹp của người dân Nghi Sơn.
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam