Trong lịch sử phát triển, trước năm 1997 tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ là một vùng đất du lịch có hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm như hiện nay. Quảng Nam không có những thắng cảnh nổi tiếng như Nha Trang, Hà Tiên, Hạ Long…, không có khí hậu tuyệt vời như Đà Lạt, Sa Pa…, không có những dinh thự vua chúa như Kinh thành Huế... Ấy vậy mà vùng đất nắng gió của khu vực duyên hải miền Trung ngày nay đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Việt Nam. Quảng Nam nằm trong top 5 tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước, đặc biệt là sự hấp dẫn với du khách quốc tế. Nhiều danh hiệu đã được các Tạp chí danh tiếng trên thế giới bình chọn và vinh danh cho du lịch Hội An, du lịch Quảng Nam. Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch của Việt Nam đã chọn Quảng Nam làm nơi đăng cai tổ chức.
Vậy tại sao du lịch Quảng Nam lại có bước phát triển như vậy? Hẳn chúng ta còn nhớ những con số khi chia tách tỉnh. Ngân sách năm 1997 vào khoảng 100 tỷ đồng, công nghiệp, dịch vụ hầu như chưa có gì, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các di tích, di sản được kiểm kê nhiều nhưng chưa được đầu tư tôn tạo, kể cả những di tích quốc gia đã được công nhận như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Chiến thắng Núi Thành, Di tích Nước Oa...
Ở giai đoạn khó khăn này, đồng chí Mai Thúc Lân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ khi phát biểu luôn nhấn mạnh và đặt ra nhiều kỳ vọng cho tương lai, xem chia tách tỉnh là một cơ hội để xây dựng tỉnh Quảng Nam, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó có đề cập đến tiềm năng văn hóa và con người Quảng Nam, xem đó là lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Để bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ tỉnh mới chia tách với nhiều khó khăn, Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp vận động người dân ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, lấy việc xây dựng văn hóa cơ sở thúc đẩy công tác bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể, dựa vào cộng đồng để xây dựng văn hoá. Chỉ thị 04/1997 của Tỉnh uỷ Quảng Nam đặt cơ sở ban đầu cho việc xây dựng đời sống văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa. Trong 25 năm qua, Sở VH,TT&DL và các địa phương đã sưu tầm, nghiên cứu được trên 300 di sản văn hóa phi vật thể: hàng trăm lễ hội dân gian và nhiều di sản khác có giá trị; 26.542 hiện vật các loại: 10.897 hiện vật khảo cổ học, 937 hiện vật cách mạng, 13.061 hiện vật gốm sứ, 1.219 hiện vật dân tộc học, 48 hiện vật về biển đảo, 233 hiện vật văn hóa Chăm Pa và 147 hiện vật về ngành nghề thủ công truyền thống. Đã lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận 02 Di sản văn hóa thế giới (Hội An và Mỹ Sơn), 01 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cù Lao Chàm - Hội An), 01 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Bài chòi). Thủ tướng Chính phủ công nhận 04 di tích quốc gia đặc biệt; 03 bảo vật quốc gia; 64 di tích cấp quốc gia, 360 di tích cấp tỉnh đã tôn vinh các giá trị văn hóa và phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, công tác tu bổ di tích cũng đạt kết quả quan trọng; đến nay 04 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 02 Di sản văn hóa thế giới, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh được tu bổ. Ngoài ra Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An cũng đã huy động được sự tài trợ tu bổ của nhiều tổ chức quốc tế, chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, các Di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm gìn giữ. Đến nay, đã trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận 12 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều lễ hội dân gian truyền thống được phục dựng và tổ chức có hiệu quả như: Lễ hội Bà Chiêm Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ hội Cầu ngư miền biển, Lễ hội Chùa Phúc Kiến Hội An... và các lễ hội của các dân tộc thiểu số miền núi cũng như các đề tài văn hóa phi vật thể đã được thực hiện; đặc biệt Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản, Festival Di sản Quảng Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục lễ hội cấp Quốc gia và tỉnh đã tổ chức được 05 kỳ lễ hội từ năm 2003 đến 2016. Tất cả đã góp phần giới thiệu, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa xứ Quảng; xúc tiến, quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Nam.
Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức như: 100 năm nghiên cứu Mỹ Sơn; Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng; 550 năm Danh xưng Quảng Nam; Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam; Phan Châu Trinh - Chí sĩ yêu nước, nhà canh tân đầu thế kỷ XX; 100 năm Duy tân hội và thân thế sự nghiệp Tiểu La - Nguyễn Thành; 100 năm trường tân học Phú Lâm và nhà thực hành duy tân xuất sắc Lê Cơ; 100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ; 100 năm phong trào chống thuế; Những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa dân tộc của học giả Phan Khôi; Danh nhân văn hóa Hà Đình - Nguyễn Thuật; 100 năm Khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội; Bảo tồn, phát huy giá trị căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà; Bảo tồn, phát huy di tích Phật viện Đồng Dương; Hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam, các đề tài khoa học: Văn học dân gian miền biển, Văn học dân gian miền núi Quảng Nam, Nghệ thuật Tuồng Quảng Nam, Phong tục tập quán, lễ hội, Âm nhạc trong đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ-Triêng, Cor; Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số; Di sản Hán Nôm ở Quảng Nam. Đã xuất bản hàng trăm đầu sách bằng nhiều thứ tiếng để giới thiệu văn hoá Quảng Nam.
Những thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đã tạo tiền đề để du lịch Quảng Nam phát triển. Tính đến năm 2019, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng nhiều lần, từ mức 227 ngàn lượt khách năm 1997 lên 7.790.000 triệu lượt khách năm 2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,4%/năm. Với khoảng 50% lượng khách du lịch quốc tế (hơn 4,6 triệu lượt/năm), Quảng Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Doanh thu du lịch tăng, từ mức 20 tỷ đồng năm 1997 lên 6.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 29,7/năm. Tổng số khách sạn trong tỉnh đã tăng từ 13 cơ sở năm 1997 lên 843 cơ sở lưu trú du lịch với 16.913 phòng. Hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ 5 sao đến hạng tiêu chuẩn có thể phục vụ khách du lịch với mức chi tiêu khác nhau. Đến nay, toàn tỉnh có trên 94 đơn vị kinh doanh lữ hành và vận chuyển, trong đó có 44 đơn vị lữ hành quốc tế. Năng lực vận chuyển khách du lịch gồm hơn 300 xe các loại cùng với 90 tàu và canô cao tốc.
Các di sản di tích được bảo tồn đã phát huy trong phát triển du lịch. Phí tham quan phố cổ Hội An năm 2019 là 295,663 tỷ, các hoạt động dịch vụ từ Trung tâm Văn hoá là 25,980 tỷ. Phí tham quan Mỹ Sơn là 62 tỷ. Chủ trương của tỉnh là dành toàn bộ nguồn thu di tích để tu bổ và quảng bá du lịch. Nhờ vậy các địa phương đã đủ nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích và tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hoá và xúc tiến đầu tư về du lịch cũng được triển khai ký kết và mang lại những hiệu quả. Với sự hỗ trợ của UNESCO, ILO, nhiều hội thảo tập huấn, tham quan mô hình trong và ngoài nước đã góp phần nâng cao năng lực lao động du lịch Quảng Nam giúp du lịch Quảng Nam vươn lên hoà nhập với du lịch thế giới. Nhiều thương hiệu du lịch hàng đầu đã có mặt tại Quảng Nam như Marriott, Accor, sân golf Montgomerie…đã làm cho du lịch Quảng Nam có đẳng cấp nhất định đối với du lịch Việt Nam. Du lịch cộng đồng, hợp tác xã du lịch cũng đã phát triển. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích nhiều làng nghề truyền thống hoặc những làng quê có lợi thế về du lịch để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh. Đó là các mô hình du lịch làng Bhơ Hôồng (Đông Giang), Hợp tác xã du lịch Tam Thanh (Tam Kỳ), Hợp tác xã du lịch Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn)...Các làng nghề như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế… đã có nhiều lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, đem lại cho cộng đồng người dân nhiều lợi ích nhất định về việc làm, thu nhập.
Có thể nói, du lịch Quảng Nam hiện nay rất đa dạng với nhiều loại hình, nhiều chủ sở hữu, trong đó người dân được chia sẻ nhiều lợi ích. Khi cộng đồng được chia sẻ về lợi ích thì người dân sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình giữ gìn, tôn tạo di sản văn hoá. Hội An là một điển hình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với khai thác du lịch. Di sản văn hoá và con người Quảng Nam - một tài nguyên, một tiềm năng vô giá nếu biết khơi dậy sẽ trở thành một “làn gió mới”, một sức mạnh nội sinh để tạo ra một nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài học về phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch ở Quảng Nam 25 năm qua là khá rõ nét. Thương hiệu du lịch: Quảng Nam "Một điểm đến – Hai di sản thế giới" bắt đầu từ Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản" đến “Năm du lịch quốc gia 2006" đã được hình thành và nay trở thành cái tên quen thuộc của thương hiệu du lịch Việt Nam. Điểm đến Quảng Nam từ xa lạ đến thân quen, hấp dẫn, con người Quảng Nam mộc mạc, thật thà, chất phát đã trở thành một sản phẩm thu hút du khách gần xa. Dịch bệnh rồi cũng phải linh hoạt thích ứng, cuộc sống sẽ trở lại bình thường và chúng ta cùng hy vọng, tin tưởng du lịch sẽ hồi phục và điểm đến Quảng Nam sẽ lại như thời điểm 2019 trở về trước. Vấn đề là cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Nam.