Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam

Thứ năm - 28/07/2022 23:53
Sinh ra trên mảnh đất xứ Quảng giàu truyền thống, lại được sự dìu dắt, giáo dục bởi thế hệ cha anh đang trực tiếp tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, đồng chí Võ Chí Công sớm bộc lộ những phẩm chất lỗi lạc của một nhà cách mạng, một nhà lãnh đạo xuất sắc trong phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa, viếng hương tại Nhà lưu niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa, viếng hương tại Nhà lưu niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Vào đầu những năm 1930, khi đồng chí Võ Chí Công tham gia hoạt động, cũng là thời điểm phong trào cách mạng ở quê hương đang ở giai đoạn thoái trào, chính quyền thực dân đàn áp phong trào hết sức khốc liệt, hệ thống tổ chức Đảng từ cơ sở đến huyện, tỉnh hầu như tan rã, những người lãnh đạo hoặc đã hy sinh hoặc đã bị địch bắt giữ giam cầm. Không sờn lòng, không dao động, không nhụt ý chí, với trí thông minh và bản lĩnh của nhà cách mạng trẻ tuổi, đồng chí Võ Chí Công đã cùng các đồng chí còn lại liên lạc, kết nối phong trào cách mạng từ cơ sở tại quê hương Tam Kỳ - Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ. Bất chấp sự đàn áp, khủng bố ác liệt của kẻ thù, đồng chí kiên cường bám trụ, gầy dựng phong trào, góp phần xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, giác ngộ, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí ra tù, trở lại hoạt động, được cử vào Ban Thường trực Ủy ban Cứu quốc tỉnh Quảng Nam và Ban Thường trực bạo động khởi nghĩa tỉnh, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hội An - tỉnh lỵ Quảng Nam. Đồng chí đã sáng tạo đề ra kế hoạch hành động một cách hết sức linh hoạt, đã nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa. Ngày 18/8/1945, Quảng Nam cùng các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh là 4 tỉnh đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, trên các cương vị Ủy trưởng Tư pháp thuộc Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, Chính trị viên Chi đội 1 Giải phóng quân tỉnh Quảng Nam; Phó Ban Tổ chức cán bộ, Thanh tra Quân khu V (1946); Ủy viên Ủy ban quân sự tỉnh Bình Định (1948), đồng chí tham gia xây dựng, tăng cường lực lượng kháng chiến, tổ chức lại lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng Đảng trong quân đội trên chiến trường cực Nam Trung Bộ. Năm 1950, được chỉ định làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban Cán sự khu Đông - Bắc Miên, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế của Đảng, góp phần xây dựng Liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương. Tháng 3/1951, đồng chí được bầu vào Khu ủy Khu V, sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (1952), đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung kiên cường chiến đấu, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia; chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn thử thách, do có tài năng và kinh nghiệm trong trực tiếp lãnh đạo thực tiễn cách mạng ở nơi gay go ác liệt nhất, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Võ Chí Công đang tham gia cải cách ruộng đất ở Việt Bắc bí mật trở lại miền Nam, trên một chuyến bay của Pháp, cùng đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam, đồng chí được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo Khu V bao gồm cả Trường Sơn - Tây Nguyên. Từ đó, trên cương vị quyền Bí thư rồi Bí thư Khu uỷ kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng miền Nam. Do bám sát cơ sở, bám sát phong trào, lại trung thành và kiên định, từ thực tiễn chỉ đạo cách mạng Khu V, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược mang ý nghĩa phổ quát của con đường cách mạng miền Nam, đó là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù. Sau phong trào đồng khởi thắng lợi, giữa năm 1961, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào Nam Bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 3/1962, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch và là đại diện của Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Là người sâu sát phong trào, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ để nghiên cứu, khảo sát đúc kết kinh nghiệm chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận và chiến xa vận của địch trong chiến tranh đặc biệt.
Với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, là vị trí địa lý trọng yếu của Khu V, là nơi quân viễn chinh Mỹ chọn làm địa bàn để đổ bộ những đơn vị chiến đấu đầu tiên thiết lập đầu cầu triển khai cuộc chiến tranh cục bộ, thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở miền Nam trong suốt cuộc chiến tranh. Khu V dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ. Tiếp đến, cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt lớn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải hiểu rằng không thể thắng được dân tộc ta trong cuộc chiến tranh này. Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, là một người lãnh đạo chiến trường, từ kinh nghiệm xương máu sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí không ảo tưởng sẽ có hoà bình, đã tiến hành lãnh đạo công tác tư tưởng trong toàn quân khu. Đảng bộ Khu V kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, phát triển thực lực mọi mặt của cách mạng, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền sau khi Mỹ đã rút, dẫn đến sự sụp đổ của chúng vào mùa Xuân 1975. Với chiến dịch tấn công Buôn Ma Thuột thắng lợi, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên làm cho kẻ địch choáng váng, liền sau đấy tại mặt trận Huế - Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ xuất hiện, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn nên chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu V phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh, nhanh chóng xóa sổ Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và nhân dân ta giao nhiều trọng trách. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII,VIII; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V, VI và từng giữ các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và VIII... Trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn thể hiện rõ tài năng lãnh đạo xuất sắc của mình. Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã đưa ra những ý kiến quan trọng, góp phần vào việc ra đời Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp". Đây là một bước đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và của sự nghiệp đổi mới nói chung, phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Phát huy kết quả đó, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu vấn đề khoán trong nông nghiệp, làm cơ sở cho sự ra đời Nghị quyết 10 (1988) “cởi trói” cho nông nghiệp của Bộ Chính trị, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước. Là Trưởng ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông.
Khi làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước.
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường trưởng thành từ cơ sở. Suốt cả cuộc đời trọn 100 năm và hơn 80 năm chiến đấu trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chọn, đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng về ý chí lập trường nguyên tắc của Đảng, nhưng thực hiện sáng tạo và linh hoạt mọi nhiệm vụ được giao với nghị lực phi thường của người cộng sản, về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào, phong cách lãnh đạo dễ gần gũi quần chúng, được nhiều người mến phục. Đồng chí Võ Chí Công đã để lại cho chúng ta hôm nay hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, một nhà hoạt động thực tiễn phong phú, một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và hình ảnh của đồng chí luôn sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước.                                   

Tác giả: Nguyễn Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 1450 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1477 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 1449 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay621
  • Tháng hiện tại28,264
  • Tổng lượt truy cập888,798
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây