Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi, cả như với đại dịch Covid-19 hiện nay, nhưng ai ở đâu xa đều mong muốn, thu xếp mọi công việc, lao động, học hành để về với mái ấm gia đình. Về với một ước nguyện, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến. Về với những bữa cơm gia đình, mâm cỗ ngày tết và những món ăn không thể thiếu của từng vùng miền như là nét văn hóa truyền thống của ông bà từ xa xưa để lại.
Bánh in
Nhắc đến Tết, ai mà chẳng nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc bà con chòm xóm, họ hàng, bè bạn. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn trong tâm thức mỗi người con nước Việt. Với người miền Trung, ẩm thực ngày Tết là không thể thiếu dưa món, bánh in, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh tét, thịt heo… Mẹ tôi người ngoài Bắc nhưng theo ba vào Trung từ ngày còn thanh xuân đến khi tuổi cao sức yếu mẹ vẫn luôn yêu thích món bánh “tín đồ” có lẽ chỉ có miền Trung là bánh in và bánh thuẫn. Bởi vậy, ngày anh em tôi chưa đi xa nhà, Tết năm nào cũng tự tay làm hai thứ bánh đó. Với bánh in, cách làm cũng khá đơn giản và rất dễ thực hiện. Bột nếp xay mịn rồi đem phơi sương một hai hôm cho đến khi bột có độ ẩm nhất định. Khi đã phơi xong, thì trộn bột với nước đường và dùng khuôn để in bánh, sau đó sấy cho bánh cứng. Để đẹp mắt một ít bánh được chọn bọc giấy gương với các màu xanh, đỏ, tím, vàng rất bắt mắt và để dùng được rất lâu.
Bánh thuẩn
Bánh thuẫn có vị gần giống bánh gato ngày nay, thế nhưng chả có bánh gato nào có được cái vị mềm xốp, thơm nức mùi trứng gà như món bánh này. Về cách chế biến, nguyên liệu gồm trứng gà, thêm đường, bột và vani được trộn vào đánh lên cho đến độ thăng hoa nhất định thì cho khuôn nướng lên bếp, quét một lớp dầu, đến khi nóng thì đổ bột lên khuôn nướng và đậy nắp lại. Sau 4 đến 5 phút bánh sẽ phồng lên và chín. Chưa nói “hạt gạo tháng giêng, đồng tiền tháng chạp”, thời bao cấp, đất nước còn “thắt lưng buộc bụng”, bánh in, bánh thuẫn cho ngày Tết còn là sự chắt chiu hạt ngọc trời cho để lo Tết nên món bánh này càng quý biết nhường nào. Không chỉ mẹ mà với tôi, hương vị bánh thuẫn rất đặc trưng, yêu thích. Bây giờ đi đâu vào chợ quê hay hàng quán chỉ trông thấy trên kệ hàng, góc tủ có mấy bao bánh thuẫn là tôi có cảm giác ngay hương vị Tết đâu đó lan truyền, rồi một nỗi nhớ nhung mơ hồ, xao xuyến. Nhớ bánh thuẫn, bánh in, nhớ Tết quê ngày nào bên làng quê nhỏ miền Trung cận kề chân núi khi mẹ, ba vẫn còn đầy đủ, tuy nghèo mà ấm áp tình thân. Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung nhìn thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ. Cùng với bánh in, bánh thuẫn là bánh tét. Món bánh có hương vị rất gần gũi với bánh chưng ngoài Bắc. Và nếu như miền Bắc có dưa hành thì miền Trung lại đặc trưng với dưa món. Nguyên liệu của dưa món khá đơn giản, chỉ là cà rốt, đu đủ... được ngâm chua mặn, tuy nghe có vẻ dễ làm nhưng để có được hũ dưa món đầy sắc - vị thì cần sự tỉ mỉ và khéo léo qua bàn tay của những người phụ nữ tần tảo. Hơn cả điều ấy, mâm cỗ Tết thể hiện tấm lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông bà, tổ tiên của mình, nguyện cho những muộn phiền, những điều chưa hay trong năm cũ sẽ nhanh chóng qua đi để bắt đầu một năm mới an khang, thịnh vượng. Tôi nhớ một câu châm ngôn đại ý, tất cả chúng ta đều ăn. Thật lãng phí và buồn tẻ nếu ăn những thứ chẳng ra gì. “Món ngon nhớ lâu…” là vậy. Với ẩm thực ngày Tết, đó còn là những hồi ức, nét văn hóa đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Ăn nhưng đâu chỉ để ăn. Đó là ý vị Tết đến xuân về…
Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa
Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam