Tiếng hát mùa xuân vùng cao

Thứ năm - 27/01/2022 21:32
Từ lâu, đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam luôn xem mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội truyền thống, là mùa tình yêu, và cũng là mùa của những câu hát giao duyên của người Cơ Tu bắt đầu. Những câu hát giao duyên ấy, có sức sống mãnh liệt trở nên hấp dẫn, ngân nga theo mây ngàn lan tỏa khắp vùng Trường Sơn. Dẫu chỉ nghe một lần, nhưng lại có sức hút kỳ lạ, bởi thẳm sâu câu hát ẩn chứa khát vọng sống của lứa đôi, không chỉ làm đắm say người nghe mà còn là những khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa rất đặc sắc.
Vui xuân
Vui xuân
       Vào mùa xuân, điểm xuyết vào bức tranh Trường Sơn đại ngàn kỳ vĩ là những thảm xanh mượt của lúa và bắp trên những đám rẫy nơi đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, trải dài từ miền núi cao của huyện Đông Giang, qua Nam Giang lên Tây Giang. Khi mùa xuân đến, vạn vật cùng hoan ca hòa sắc, hòa âm tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, ai ai cũng trong trang phục truyền thống ấn tượng và như để cho tình người say đắm, ấm áp nồng nàn hơn. Khắp các làng Cơ Tu lại vang lên những điệu hát giao duyên: “Là người đàn ông Cơ Tu, biết đánh trống thổi kèn, gánh vác công việc trong làng và biết lo hạnh phúc gia đình/ Là người đàn bà Cơ Tu, biết cấy hái gieo trồng, sớm hôm lo việc ruộng nương lại khéo tay dệt thổ cẩm/ Việc nhà luôn giỏi giang, hát hay múa dẻo tay và dễ thương như những thiên thần...”.
       Mùa xuân, lần theo những câu hát giao duyên ấy, chúng tôi bắt đầu hành trình ngược lên Trường Sơn để khám phá về tình yêu khá lãng mạn của những nam thanh nữ tú Cơ Tu. Giữa không gian rộng trước Gươl làng (ngôi nhà làng truyền thống), mọi thứ đã được chuẩn bị từ trước cùng một đống lửa được đốt lên khi mặt trời vừa lặn xuống núi. Tình cảm của đôi trai gái Cơ Tu đã để ý nhau, chớm nở bắt đầu bằng những lời nhắn gửi đầy ngụ ý để rồi thành câu chuyện tình của đôi trai gái, mà không một chàng trai, cô gái Cơ Tu nào không biết đến: “Này cô em bên sông ơi, nhìn em xinh tươi hồn nhiên/ Lòng anh xốn xang muốn được gần em, ơ, ơ, ơ”. “Này anh trai bên sông ơi, hẹn anh ngày mai cùng vui/ Chờ anh sang sông em ơi, làm chi cho em làm với/ Mình vui bên nhau tính chuyện dài lâu, ơ, ơ, ơ...”. Đó là các khoảnh khắc yêu đương rất tuyệt vời từ những ngày hội làng tưng bừng rộn rã trong điệu tân tung - da dá với ánh mắt gặp nhau, nụ cười trao cho nhau, để rồi thầm thương, trộm nhớ:“Chân em gái thon đẹp như thân dong/ Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh/ Đôi môi em xinh tựa đóa hoa lơlang/ Lấp lánh trong anh cánh hoa dhavai” và người con gái Cơ Tu đáp lại bằng cách ví von tình tứ: “Con chim a vướch ngoan đậu nhánh cây dang/ Con chim a vang xinh đứng trên cây lồ ô/ Ai cõng em qua sông em biếu chiếc vòng vàng/ Ai dắt em qua sông em sẽ trao chiếc vòng bạc”. Cảm giác ấy, làm cho người nghe như đang hóa thân vào từng chàng trai, cô gái Cơ Tu để trao gửi lời yêu thương, hẹn hò trên những suối những đồi của đại ngàn, cô gái thốt lên: “Anh ơi, anh đứng đó anh chờ ai/ Anh chờ em hay anh chờ người nào khác”. Người con trai Cơ Tu hát lại: “Anh đến đây chỉ chờ có một mình em/ Anh không chờ người nào khác”. Bằng sự trầm tĩnh, dịu dàng, người con gái hát tiếp: “Em đi tìm nước em nhớ đến anh/ Dù em đẹp em xấu, em vẫn bú sữa mẹ/ Dù em đen em xấu cha mẹ vẫn nuôi em”. Để bày tỏ người mình thương, người con trai hát lại: “Anh đi tìm suối anh nhớ em/ Hình dáng em vẫn đẹp/ Nụ cười em đẹp như vầng trăng”.
Trong các dịp lễ hội truyền thống, mà giai điệu như dòng mật ngọt làm lòng người xốn xang xao động, để rồi trói buộc tình yêu của những đôi trai gái Cơ Tu bỗng cháy mãi như mây ngàn, gió núi, như thác cao, suối sâu, như cây lá đại ngàn Trường Sơn. “Mười cô gái Đhol các anh không bằng Đhươt (một) chúng tôi/ Tám cô gái Dương các anh không bằng Đhươt (một) chúng tôi”. Chàng trai bày tỏ: “Đẹp, em đẹp như hoa lơlang/ Rạng rỡ, em sáng bừng sáng như hoa dhavai”. Trong tiếng cồng chiêng, sáo, khèn, kèn lá, đàn môi vượt lên và thu hút mọi ánh mắt, đôi môi, nụ cười là những câu hát giao duyên của trai gái Cơ Tu với nhiều sắc thái, giai điệu khác nhau mang bản sắc độc đáo của riêng mình.
Sau những lần hò hẹn, chàng trai và cô gái Cơ Tu trao duyên và nên nghĩa vợ chồng trong niềm vui chung của gia đình và dân làng. Đó là một ngày hội, ngày hội cưới tưng bừng tràn ngập hạnh phúc. Kết quả của tình yêu ấy là mầm sống mới ra đời để người mẹ yêu thương, cất tiếng ru con trong bảng lảng khói lam chiều... Người cha thấy mình đong đầy hạnh phúc để bước chân lên rẫy nhanh hơn, đôi tay khỏe hơn cho xứng với người đàn ông Cơ Tu. Một tổ ấm mới của buôn làng được khai sinh, giờ đây họ lại cùng chung tay vun xới với ước nguyện: “Đôi ta cùng xây đắp cuộc đời/ Trên rẫy ta có nhau, bên suối ta có nhau/ No đói ta có nhau, hạnh phúc ta có nhau, ơ, ơ, ơ...”.
          Đến với các thôn/làng của người Cơ Tu dịp Tết đến xuân về, không thể không đắm mình vào những điệu hát giao duyên luôn ấp ủ một tình yêu đẹp, để rồi từ đó là những chuyện tình trai gái Cơ Tu đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt. Những câu hát giao duyên ấy, đã cất lên trong suốt mùa xuân, thể hiện tình cảm, đời sống tinh thần vô cùng phong phú mà sâu sắc của đồng bào Cơ Tu. Những hoạt động náo nhiệt, vui tươi, những ngày nhàn nhã, no đủ nhanh chóng trôi qua. Đồng bào lại trở về với cuộc sống lao động. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, người Cơ Tu vẫn nấu nung bên bờ suối véo von và những câu hát giao duyên cháy bỏng lòng người. Và hôm nay, trải qua nhiều thế hệ, những điệu hát giao duyên đang tiếp tục được trao truyền, vang mãi trong ngày xuân như niềm tự hào riêng có, giúp người Cơ Tu thêm yêu cộng đồng của mình và gắn kết với nhau vì cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.
      Mùa xuân, mùa tình yêu và mùa của những câu hát giao duyên cháy bỏng lòng người của những đôi trai gái Cơ Tu trên vùng Trường Sơn lại bắt đầu…

Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Audio Phát thanh - Tuyên truyền
Văn bản

208/TTr-BQL

Thống nhất điểm dừng kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để dừng thực hiện quyết toán Dự án: Cải tạo sân vườn Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam theo hướng Công viên văn hóa

Thời gian đăng: 24/09/2018

lượt xem: 479 | lượt tải:0

59/QĐ-TTVH

Quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 483 | lượt tải:0

205/KH-TTVH

Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam

Thời gian đăng: 25/09/2018

lượt xem: 494 | lượt tải:0
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay792
  • Tháng hiện tại33,554
  • Tổng lượt truy cập417,293
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây