Kinh phí nào, phong trào nấy...
Trong các đợt hội thi, liên hoan cấp tỉnh, toàn quốc, kinh phí biên kịch, dàn dựng, tổ chức tập luyện cho một chương trình để giành huy chương trong một cuộc “cọ xát” lớn luôn ở mức cao khiến các nhà lãnh đạo văn hóa địa phương luôn than thở rằng “bỏ vàng thiệt” ra để mua “vàng giả” (huy chương, cờ thưởng). Việc dành khoản chi cho những hội thi “đột xuất” - không có kế hoạch tài chính trước lại càng khó chưa nói đến khoản thù lao chi trả cho biên kịch, đạo diễn, biên đạo và diễn viên tài năng cũng lên xuống thất thường theo “thời giá” lao động nghệ thuật... Vậy mới có chuyện cán bộ văn hóa miền núi mới nửa năm đã “ngồi chơi xơi nước” vì kinh phí hoạt động địa phương duyệt cấp cho cả năm đã hết, ngay cả kinh phí “phối hợp hoạt động” với các cơ quan đơn vị khác cũng phải đi vay mượn mà hoạt động, kinh phí cứ vơi cạn “năm này vay năm tới trả”...
Chuyện kinh phí vốn là chuyện “gây khó” thường xuyên cho những địa phương mà ngành văn hóa chỉ thuần là đơn vị “sự nghiệp không có thu”, ngay cả đơn vị có thu, hai năm qua cũng khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Những diễn viên, nhạc công lao động hợp đồng không có việc làm, buộc phải nghỉ, số cộng tác viên cũng chuyển sang công việc khác, chờ ngày “trời lại sáng”...
Nhìn lại các phong trào ca hát
Chuyện ca hát trong thời kỳ văn hóa toàn cầu hóa với sự thâm nhập của nhiều xu hướng ‘văn hóa hiphop” như ca nhạc rock, pop, hiphop, rap, dân gian - đương đại... khiến thị hiếu công chúng thay đổi thường xuyên khó nắm bắt nhất là công chúng trẻ. Chính sự thay đổi về thị hiếu này đã khiến những người làm công tác phong trào văn hóa văn nghệ gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Trước hết trong việc xây dựng nội dung, thể loại một chương trình nghệ thuật, các ca khúc nghệ thuật hơi hướng thính phòng cũng như các ca khúc cách mạng, ca khúc tiền chiến sẽ rất ‘kén chọn” công chúng vì nó thuộc về một thời khác, thường lớp công chúng này tuổi đã cao trong khi đó lớp trẻ không mặn mà với những dòng nhạc thời “đã qua” này. Trong hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn nghệ truyền thống, việc đưa dân ca, các làn điệu ca kịch dân ca, thậm chí các ca khúc mới có âm hưởng dân ca vào chương trình cũng khó nếu tác phẩm đó không hay, không cuốn hút người nghe/xem. Sân khấu ca nhạc phục vụ công chúng trẻ hôm nay thường có xu hướng “tiết tấu hóa”, “disco hóa” dần thưa vắng những giai điệu du dương, trữ tình, sâu lắng.
Trong việc biểu diễn, xu hướng ca sĩ hát, múa với phần âm nhạc thu sẵn (playback) đang trở nên phổ biến. Sân khấu ca nhạc thiếu hẳn sự hiện diện của ban nhạc với bộ ba guitar (guitar lead, guitar accord, guitar bass), bộ trống jazz, kèn, keyboard..., thảng hoặc đơn độc một keyboard với phần đệm tiết tấu cài sẵn như thường thấy trong khâu đệm nhạc đám cưới. Xu hướng nhạc đệm thu sẵn khiến nhiều nhạc công “thất nghiệp” nhất là những tiết mục có nhạc đệm thu sẵn trên mạng internet như nhạc đệm karaoke. Nhiều địa phương, ngành văn hóa trong cả thập niên vừa qua không có thêm một nhạc công guitar mới nào, thậm chí nhạc công sử dụng các nhạc cụ khác...
Mặc dù ngành văn hóa nước ta cấm ca sĩ “hát nhép” (dạng bản audio thu sẵn hoàn thiện - AR (All Recorded) nhưng hiện tượng hát đè, hát lót vẫn được “tùy nghi sử dụng” như ở dạng MR (Music Recorded) bản thu sẵn có phần hát/nhạc vocal nhỏ làm nền cho giọng ca sĩ “dày” hơn gọi là “hiệu ứng MR” hay dạng “Live MR” - bản thu trước, vang to ở những node quá cao hay đoạn nối (cầu nối - brigde) hỗ trợ ca sĩ lên đúng node và giữ làn hơi hòa điệu vào phân khúc tiếp theo...
Xem ra công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng hôm nay không chỉ quan ngại về kinh phí mà còn việc chuyên môn, việc phải linh hoạt ứng biến với sự vận động của văn hóa nghe nhìn, với thị hiếu của công chúng nhất là xu hướng (trend) của giới trẻ thể hiện đa phong cách, xu hướng hỗn hợp/tích hợp giữa hát một ca khúc mà ca khúc ấy một phân khúc có giai điệu với nhạc đệm, phân khúc khác lại vừa đọc rap không nhạc đệm, vừa đọc rap có tiết tấu gõ rồi quay về với phân khúc có giai điệu, nhạc đệm...